Hoa sen trong ẩm thực Việt

1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (1 votes, average: 5,00 out of 5)
Loading...
0
892

“Trong đầm gì đẹp bằng sen

Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng

Nhị vàng bông trắng lá xanh

Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”

Sen trong văn hóa Việt

Hoa Sen có vai trò và vị trí đặc biệt cả về tâm linh và văn hóa của người Việt. Từ bao đời nay, Hoa sen đã đi vào lòng người, đi vào cuộc sống và văn hóa của người Việt. Ngắm hoa sen chúng ta có thể thấy và nhận ra hình ảnh con người Việt Nam. Mặc dù sinh ra trong bùn lầy nhưng hoa sen không bị ô nhiễm mà lại có khả năng làm thay đổi hoàn cảnh sống, vì hoa sen hễ mọc ở nơi nào thì sẽ làm cho nước đục nơi đó lắng trong. Sen có cả hương lẫn sắc, nhưng hương sen không quá nồng mà dịu, gợi một tinh thần cao thượng. Sắc sen kín đáo, đằm thắm, cánh trắng phớt hồng, nhụy vàng. Từ khi nở đến khi tàn không hề bị ong bướm bén mảng tới. Qua bao ràng buộc để đến được chỗ khoáng đạt hư không, sen tiếp tục vươn lên dưới ánh mặt trời, khai nụ kết hoa, khoe sắc và xông hương tràn ngập không gian. Sự hình thành của sen diễn ra theo qui luật nhân quả luân hồi. Sen có cả nụ – hoa – hạt. Hoa nở tượng trưng cho quá khứ, đài sen tượng trưng cho hiện tại và hạt sen tượng trưng cho tương lai, sự nối tiếp liên tục. Vì vậy, hoa sen trở thành biểu tượng trong nghệ thuật Phật giáo của Phương Đông. Nó tượng trưng cho vẻ đẹp thần bí, huyền ảo, tư tưởng sâu kín. Bông hoa sen cũng tượng trưng cho sự thanh cao, bất khuất của người quân tử, giữ chặt lòng mình trước cám dỗ của lợi danh, giữ cho mình sự trong sạch dù ở giữa chốn bùn nhơ. Từ ý nghĩa tâm linh ấy, bông hoa này đã đi vào tâm thức của người Việt Nam, trở thành hình tượng trong kiến trúc và điêu khắc của người Việt xưa, trong nghệ thuật, trong văn học, ẩm thực… Cho đến tận hôm nay, khi bạn bè quốc tế đến với Việt Nam thì hình ảnh đầu tiên họ gặp là bông sen vàng trên những chuyến bay của Vietnamairline, hình ảnh biểu hiện cho sự khai sáng và hoàn mỹ; vừa đời thường lại vừa cao quý, linh thiêng; vừa duyên dáng, mềm mại, nhưng không kém phần cứng cáp, đĩnh đạc, tượng trưng cho những con người Việt Nam dũng cảm kiên cường nhưng đôn hậu và cởi mở.

Với Sen Trắng: người ta dễ dàng cảm nhận được nét bình dị, thanh cao, thuần khiết, phảng phất cả nét tôn nghiêm. Màu trắng của hoa sen, mang lại cho ta sự thanh thoát và bình yên cho tâm hồn. “Yêu thương sen trắng tươi màu – Sống đời đức hạnh thanh cao tâm hồn”

Với Sen Xanh – một loài hoa đặc biệt, bởi thực chất, hoa sen xanh chính là sen trắng, vốn có màu hồng nhưng rất nhạt, phần dưới của cánh có màu trắng, phần ngọn có màu hồng nhạt. Và khi hoa sen trắng mới nở, những cánh hoa bên ngoài có màu hơi xanh nên người ta gọi là sen xanh. Tuy vậy, giữa sen trắng và sen xanh lại có những ý nghĩa khác nhau mà con người đã gửi gắm. Nếu bên trên chúng ta đã biết được sen trắng tượng trưng cho sự trong sáng tuyệt đói, sự thuần khiết của tâm hồn. Thì sen xanh lại mang đến ý nghĩa về sức mạnh của ý chí, nghị lực kiên cường và niềm tin bất diệt. Nó cũng là biểu tượng của tự do, bình đẳng và bác ái.

Và, với sen hồng – loài hoa được bình chọn trở thành quốc hoa của nước ta, thì ý nghĩa của nó đã bao quát tất cả những điều trên, hơn nữa, lại là loài hoa phổ biến, gần gũi với người Việt Nam mình.

Nếu như ở miền Bắc, miền Trung mà điển hình là Hà Nội và Huế, sen có nét ngọt ngào, đằm thắm lại đôi phần mộng mơ khiến người ta mỗi lần nhìn là muốn sống chậm, an nhiên cùng đóa sen thi vịnh. Thì ở một nơi khác, tại vùng đất phương Nam cò bay mỏi cánh, sen lại chất chứa cái phóng khoáng, hào sảng hệt như con người vùng đất này. Giữa một Sài Gòn hoa lệ nhộn nhịp, lúc nào cũng hối hả, người ta vẫn có được giây phút lắng lòng với hương vị sen thơm phưng phức tỏa ra đâu đó trong ngõ vắng, làm bước chân chùn lại đôi chút, quyện vào sen chút tình của người xa xứ, thích thú vô cùng.

Sen trong ẩm thực Việt

Từ ảnh hưởng của hoa sen trong đời sống tinh thần mà người dân Việt Nam đã đưa sen lên đỉnh cao của văn hóa ẩm thực. Các bộ phận trên bông hoa sen được biến chế thành những món ăn đặc trưng, mang đậm một hương vị Việt Nam như gỏi ngó sen, mứt sen, trà sen…

Sen có rất nhiều tác dụng và ý nghĩa trong ẩm thực. Hoa sen ở hồ Tây (Hà Nội) có tiếng thơm từ lâu, nhụy sen sau khi được lấy ra từ những bông sen tươi phải mang về ngay ướp với trà để giữ mùi hương. Vì thế, trà sen Hà Nội được nhiều du khách biết tới. Ngoài ra, sen hồ Tịnh Tâm của cố đô Huế ngày xưa còn được dùng để ướp trà cho vua. Người ta ướp trà vào ban đêm. Khi sen vừa hé nhụy là lúc trời đất đang giao hoà, hương còn rất đượm. Trà được đặt vào trong lòng hoa rồi dùng dây buộc lại, ép không cho hoa nở ra, để qua hết đêm trà sẽ hấp thụ toàn bộ hương sen. Sáng hôm sau thì thu trà, trà sen Huế vì thế có hương thơm thanh khiết và đậm đà đến say lòng.

Chè sen Huế với hạt sen tươi, bóc vỏ, lột lớp lụa mỏng, xoi tim rồi đem chưng cách thủy, chưng với đường phèn thì hương mới thơm. Chè sen được múc trong bát cổ men sứ màu xanh nhỏ như “mắt trâu”, chỉ độ dăm bảy hạt sen vàng nở lươm tươm. Trong các dịp lễ tết, chè sen là món quan trọng gần như không thể thiếu.

Bên cạnh đó, hoa sen còn được dùng làm nguyên liệu cho các món ăn cung đình nổi tiếng xưa nay như món yến nấu sen, cơm sen cung đình, vịt hấp hoa sen… Chẳng hạn như món vịt hấp hoa sen thì người ta chọn vịt tơ, mập căng da, làm sạch, dùng rượu và gừng xát trong, ngoài khử mùi, ướp ngũ vị hương cùng muối, tiêu, hành, tỏi cho thấm. Lót dưới xửng vài lớp cánh hoa sen và phủ kín vịt cũng bằng cánh hoa. Dùng lửa than hấp vịt độ hơn tiếng đồng hồ, vịt chín mềm, mang ra ăn với cánh hoa đã chín nhừ. Như thế, bao nhiêu hương thơm của hoa đều ngấm hết vào từng sớ thịt vịt. Ngoài ra, còn có rất nhiều món ăn từ sen mang nhiều hương sắc và hương vị đậm đà.

Và nếu ra các tỉnh miền Bắc bạn còn cảm nhận được mùi thơm nhẹ dịu từ lớp lá sen già chuyên dùng để gói cốm. Những hạt cốm xanh màu ngọc thạch trở nên dẻo và thơm lâu hơn khi nằm trong lòng chiếc lá sen tươi. Hương thơm dìu dịu của lá sen hoà quyện với hương cốm là một sự kết hợp tuyệt vời mà bạn sẽ không bao giờ quên khi được thưởng thức.

Sẽ không ngoa khi nói “Trà sen Tây Hồ” là đỉnh cao trong nghệ thuật trà của người Việt, Trà ướp Sen Tây Hồ – là sự hòa quyện tuyệt vời giữa hương thơm ngan ngát của sen Bách diệp Hồ Tây và vị đậm đà của trà Tân Cương Thái Nguyên. Qua đôi bàn tay tài hoa và bí quyết nghề mật truyền nhiều đời của người thợ trà Thăng Long, tạo ra thức quà tinh túy, kết tinh văn hóa ngàn năm Thăng Long – Hà Nội. Còn gì tuyệt vời hơn khi giữa những ngày hè, ngồi trong phương đình giữa hồ sen Tây Hồ thưởng thức trà sen giữa không gian thoảng thoảng hương sen hồng bách diệp!!!

Nói về hoa sen người ta sẽ chợt nhớ Làng quê nơi Bác sinh ra cũng có tên là Làng Sen, và có lẽ hoa sen đẹp nhất khi được ví với hình tượng Bác Hồ, người cha già vĩ đại của dân tộc, vị lãnh tụ kính yêu của nhân dân Việt Nam:

“Tháp Mười đẹp nhất bông sen

Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here