Hoa cúc – thảo dược “trường sinh” từ trong cổ tích

1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (No Ratings Yet)
Loading...
0
226
  • Sự tích Hoa cúc

Chuyện kể rằng, ở một ngôi làng nọ có hai mẹ con sống với nhau trong cảnh nghèo khó. Đến một ngày kia, người mẹ không may lâm bệnh nặng, người con thương mẹ đã tìm mọi cách để chạy chữa nhưng không được.

Cảm động với sự hiếu thảo của người con dành cho mẹ, Bụt thương tình chỉ cho người con vào rừng tìm hái bông hoa thần kỳ với màu vàng rực rỡ, có số cánh hoa tương ứng với số năm mà người mẹ được sống trên đời. Nghe theo lời bụt, người con không ngại vượt qua nhiều khó khăn, khổ ải đã tìm được bông hoa thần kỳ. Nhưng trớ trêu thay bông hoa chỉ có 5 cánh.

Đau lòng vì biết mẹ chỉ sống được thêm 5 năm, người con đã xé nhỏ cánh hoa tới mức không thể đếm được số cánh hoa nữa. Nhờ vậy người mẹ đã khỏi bệnh và sống rất lâu bên cạnh con. Kể từ đó, hoa cúc được người Việt Nam xem là loài hoa đại diện cho sức khỏe, sự trường thọ và lòng hiếu thảo của con cái với cha mẹ.

Chẳng biết hoa cúc có từ bao giờ, nhưng sự xuất hiện của nó trong tâm thức người Việt có vẻ đã được mặc định biểu thị cho “nhân tâm” – một thứ nhân tâm thuần khiết, trong sáng cảm hóa đến cả đất trời, dường như đóa hoa ấy luôn là đại diện đẹp đẽ nhất cho tấm lòng hiếu thảo, không phải là vật chất phù phiếm mà là sự đoàn tụ, toàn vẹn của gia đình, chẳng phải mỗi người con đều hướng về cha mẹ mình với tấm lòng đong đầy như những cánh cúc kia đó sao?

Hoa cúc – nét thơ mộng theo mùa

Hôm nay, Hà Nội trở lạnh, sau những chuỗi ngày nắng đủ khiến cho người ta cảm thấy chán ghét, chút mưa phùn kèm theo vài cơn gió giữa bầu trời xám xịt trả lại một ngày xuân đúng nghĩa.

Hà Nội mùa mưa Xuân, mưa, ẩm và nồm, cái lạnh dưới bầu trời xám xịt càng làm ta thấy hiu quạnh và ướt át. Ấy thế mà tất cả đều được cứu vớt chỉ bằng sắc trắng tinh khôi, sắc vàng dịu ấm và một chút hương thơm thoang thoảng, thuần khiết của hoa cúc. Hình như mẹ thiên nhiên đã ưu ái “hơn một chút” với đứa con này, hoa cúc không chỉ có một màu đơn điệu, nhắc đến hoa cúc người ta đâu phải chỉ nhắc đến màu vàng hay màu trắng, bất kỳ màu sắc nào mà chúng ta có thể nghĩ tới thì hoa cúc đều có thể khoác lên mình, kiêu kỳ như một đóa cúc màu hồng phấn, rực rỡ như một đóa cúc đỏ hay thâm trầm như một đóa cúc xanh.

Như một nàng thiếu nữ xuân sắc trong veo độ xuân thì, hoa cúc nhẹ nhàng, thanh khiết và trong veo. Hương cúc khẽ đưa chun chút cũng đủ để làm tâm trạng ta thêm thư thái. Những ngày này, dẫu tâm trạng có “sầm sì” như bầu trời xám xịt kia, chỉ cần vô tình bắt gặp một bông cúc ở đâu đó khẽ đưa hương, gợi sắc trên phố, cũng đủ để ta bất giác nở nụ cười.

Có lẽ, bởi vẻ đẹp thánh thiện và hương sắc không thể hòa lẫn vào đâu được như thế mà hoa cúc với người Việt lại có nhiều “tầng nghĩa” lắm. Đâu phải cứ hoa mới là đại diện cho người con gái, hoa cúc phá cái lẽ mặc định ấy và nó lại đại diện cho bậc trượng phu. “Diệp bất ly chi, hoa vô lạc địa” – cho dù lá có úa tàn nhưng cũng quyết không rụng khỏi cành, hoa dù không còn có thể khoe sắc nhưng cũng quyết không rơi xuống đất, đó chẳng phải là ý chí bất khuất của người quân tử hay sao? Người xưa yêu hoa nên hay ví hoa với người, hoa cũng không phụ lòng yêu mến của người mà biểu thị đức tính của người trên từng cành, từng nhánh của hoa. Một sự tổng hòa “vừa khít” giữa con người và cây cỏ!

Hoa cúc – thảo dược chữa bệnh

Và mỗi khi nhắc đến hoa cúc, chắc chắn người ta không thể không nhắc đến nó như một loại thảo dược quý bởi tác dụng trong cả việc thưởng thức lẫn chữa bệnh. Văn hóa phương Đông có nhiều câu chuyện hay kể về hoa cúc cũng như ý nghĩa chữa bệnh của loài hoa này. Sự tích hoa cúc ở Trung Quốc bắt nguồn từ một vị vua già được nghe kể về loại thảo dược giúp trường sinh ở trên đảo Long Phi và chỉ có những chàng trai trẻ mới tìm được loài cây này. Vị vua đã cử 24 chàng trai đi tìm kiếm thảo dược. Khi các chàng trai đến được hòn đảo tên Long Phi thì thấy đây chỉ là một hoang mạc và chỉ có duy nhất cây hoa cúc vàng sống được. Họ mang cúc vàng trở về cho nhà vua và kể từ đó cúc vàng có ý nghĩa biểu tượng cho sự trường tồn, một thứ thảo dược chữa bệnh hữu hiệu.

Hoa cúc đương nhiên không phải chỉ có ở nước Việt hay của riêng Hà Nội. Nhưng với người Việt Nam nói chung và đặc biệt là người Hà Nội nói riêng thì hoa cúc là một loại hoa vốn đã quen thuộc từ rất lâu đời và có một đời sống văn hoá rất riêng mà không phải hoa nào cũng có được. Người Tràng An tinh tế trong lối chơi hoa và đương nhiên cũng cầu kỳ không kém trong lối thưởng hoa. Một ngày làm việc vất vả, có thể tâm trạng của bạn sẽ không tốt, lại thêm một chút áp lực công việc khiến tâm trí bạn bối rối, tại sao không tự gợi ý cho mình thưởng thức một tách trà hoa cúc? Vẫn là bông hoa cúc bạn nhìn ngắm trên phố, ngay cả khi “hóa” thành trà bông hoa vẫn vẹn nguyên, một vài bông hoa cúc, nước vừa đủ độ, không quá nóng cũng không quá nguội sẽ cho ra một thứ trà tuyệt hảo. Trong quan niệm của Đông Y, hoa cúc sau khi chế biến thành trà có mùi thơm mát, vị hơi ngọt và đắng nơi đầu lưỡi, tính hơi hàn, ít độc, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, giải cảm, giáng hỏa, mát gan, làm sáng mắt. Vì vậy, trà hoa cúc thường được dùng để chữa các chứng do phong nhiệt như chóng mặt, nhức đầu, đau mắt, chảy nước mắt, đinh nhọt, sang lở. Ngoài ra, trà hoa cúc còn rất tốt cho những người bị các chứng người nóng bứt rứt khó chịu, tinh thần bị căng thẳng, tính tình nóng nảy, dễ cáu gắt, khó tập trung.

Trà hoa cúc cũng là một loại trà thảo dược nổi tiếng có giá trị chữa bệnh về tâm thần. Nó có thể làm dịu tâm trạng và giãn cơ. Vì có tính an thần nhẹ nên loại trà này cũng là một biện pháp giúp khắc phục chứng mất ngủ. Nếu bạn gặp rắc rối với giấc ngủ, bạn có thể uống một tách trà trước mỗi lần đi ngủ để dễ ngủ hơn. Tính ấm của trà hoa cúc ấm áp còn giúp giảm các triệu chứng kích thích trong dạ dày. Uống trà hoa cúc hàng ngày có thể làm giảm mức đường huyết, tránh mức đường trong máu cáo và các biến chứng bệnh tiểu đường. So với các loại thảo dược có tác dụng thanh nhiệt khác, hoa cúc còn giúp sáng mắt, làm tinh thần sảng khoái, hạ huyết áp. Hoa cúc phù hợp với trẻ em và cả những người trưởng thành. Đặc biệt, tác dụng giải nhiệt hiệu quả của loại hoa này sẽ rất tốt cho những người thường xuyên bị nhiệt, nóng bức do làm việc văn phòng, thường xuyên phải ngồi trước máy tính, đối mặt với tình trạng căng thẳng do áp lực công việc, ít có thời gian vận động, điều kiện ăn uống không đủ dưỡng chất.

Hoa cúc được dùng làm trà hoặc kết hợp với các loại thảo dược khác giúp thanh nhiệt, chữa bệnh rất hiệu quả. Bạn có thể kết hợp loại hoa này với trà xanh và hoa hòe cho tác dụng tăng cường sức đề kháng, thanh nhiệt, giải độc, làm sáng mắt, giúp phòng ngừa và chữa trị nhức đầu do nhiệt. Trà hoa cúc kết hợp với hoa kim ngân, bồ công anh sẽ cho bài thuốc giúp tiêu độc, nhuận gan, chữa mụn nhọt, ghẻ ngứa, viêm gan cấp tính. Cũng có thể dùng hoa cúc kết hợp với phục linh để cho sắc mặt tươi tắn, làn da sáng mịn, tăng tuổi thọ.

Tây Y có nhiều nghiên cứu kỹ càng hơn về các hoạt chất có trong hoa cúc, Theo Tây y, hoa cúc chứa tinh dầu, các vitamin A, B, một số axít amin và nhiều nguyên tố vi lượng, trong đó đáng chú ý có selen – một nguyên tố thần diệu khử gốc tự do điển hình chống ôxy hoá, chống lão hoá và crom là chất phân giải và bài tiết cholesterol, phòng chống các bệnh tim mạch. Chất bisabolol nhiều nhất trong hoa cúc vàng có có tác dụng chống vi khuẩn, chống viêm rất tốt. Có thể dùng tinh dầu hoa cúc vàng để trị viêm da rất hiệu quả. Bên cạnh đó, với những thành phần hoạt chất có trong cúc vàng nên có tác dụng hỗ trợ chữa bệnh do hàng trăm loại virut gây ra như: cúm, ho, nghẹt mũi, giải độc. Dùng dưới dạng tinh dầu hoa cúc vàng để trị các bệnh này. Nhờ những tiến bộ của Khoa học hiện đại, các nhà khoa học đã chỉ ra, trong hoa cúc có chứa chất apigenin có tác dụng hỗ trợ ngăn ngừa sự hình thành và phát triển của các tế bào ung thư, nên có thể tránh được bệnh ung thư nếu thường xuyên trà hoa cúc, hiệu quả nhất là trà hoa cúc vàng.

Người Ai Cập cổ đại khi xưa sử dụng trà hoa cúc để làm dịu các cơn đau bụng kinh và điều này vẫn đúng cho tới tận bây giờ. Một nghiên cứu cho thấy uống trà hoa cúc tăng lượng glycine trong nước tiểu, một hợp chất giúp ổn định sự co thắt cơ. Các nhà nghiên cứu tin rằng đây là lý do tại sao trà hoa cúc giúp giảm các chứng chuột rút trong kì kinh nguyệt.

Ngoài các tác dụng trên, trà hoa cúc còn có nhiều tác dụng khác nữa như: tăng cường miễn dịch và giúp chống lại cảm lạnh (nhờ có tính chất kháng khuẩn của nó), hữu ích trong điều trị bệnh trĩ, dùng làm thuốc đắp vào các vết thương để mau lành, chống lại các loại tế bào ung thư…

Hoa cúc – mỹ phẩm làm đẹp

Một giai thoại liên quan đến hoa cúc có lẽ sẽ khiến nhiều chị em phụ nữ cảm thấy thích thú, đó là chuyện Từ Hy Thái hậu làm đẹp bằng hoa cúc.

Mỗi ngày ngay khi tỉnh giấc, Từ Hy Thái Hậu phải lấy tinh chất của hoa dấp lên mặt lên cổ, sáng ra ngủ dậy bà lại dùng bột ngọc trai bảo vệ da; đánh răng bằng bột làm chắc răng, bột hoa cúc, bột dưỡng tóc, nước hoa cho tóc… Có lẽ vì nỗ lực làm đẹp với cường độ cao như vậy nên vẻ đẹp của Từ Hy Thái Hậu từng được ghi lại là “sắc nước hương trời có một không hai, làm say đắm con mắt của nhà vua trẻ tuổi Hàm Phong: “Ngũ quan của nàng không có chỗ nào chê được. Đặc biệt là làn da của nàng, trong cái trắng có cái hồng, trong hồng có phấn, nước da như phát sáng. Màu da càng làm tăng thêm vẻ đẹp của nàng, khiến nàng đẹp khác thường. Tuy khuôn mặt nàng có nét buồn, nhưng nét buồn đó lại như bù đắp cho nàng cái gì đó chưa đầy đủ…”.

Sở dĩ có được vẻ đẹp như vậy, ngoài cách kiên trì giữ gìn sức khỏe của mình, bà rất chú trọng đến việc chăm sóc nhan sắc và có rất nhiều phương pháp làm đẹp độc đáo. Tùy theo tình trạng tâm lý, tuổi tác của thái hậu mà ngự y bào chế các phương thuốc cho phù hợp. Dẫu là vị thái hậu bị oán chê nhiều nhất trong lịch sử, dẫu bà ta không phải là nhân vật anh hùng gì, nhưng trong lĩnh vực dưỡng sinh thì Từ Hy làm rất tốt. Ở đây, chúng ta chỉ nhắc tới phương “Cúc hoa diên linh cao” của bà. Từ cái tên gọi là bạn đọc có thể đoán ra được mục đích của sử dụng trường kỳ của Từ Hy là kéo dài tuổi thọ. Từ Hy có thể thọ 73 tuổi vào thời đó là không thể phủ nhận được tác dụng nhất định của cao hoa cúc. Đây là phương thuốc bí truyền trích từ trong cuốn“Từ Hy Quang Tự y phương tuyển nghị”của Trần Khả Dực đời nhà Thanh. Sở dĩ phương thuốc này được chọn giới thiệu vì sự tối giản trong nguyên liệu của nó, thành phần dược liệu ở đây chỉ là những cánh hoa cúc tươi và mật ong.

Cuối cùng, cũng như nhiều loài hoa khác, hoa cúc cũng mang cho mình một ý nghĩa tâm linh riêng biệt. Hoa Cúc mang thông điệp là sự cuối cùng, hy vọng và đổi mới. Đối với những bông Cúc được gửi tặng, người gửi hi vọng người nhận sẽ nhìn nhận thế giới như họ đã từng nhìn khi bé. Đây cũng có thể là lý do lí giải vì sao mà những ngày Tết luôn thấy thấp thoáng bóng cúc trong mỗi gia đình Việt, người ta luôn hy vọng vào những khoảnh khắc cuối cùng của năm luôn có sự may mắn, đổi thay theo chiều hướng tích cực đó sao?

Mỗi khi dạo trên các con phố, nhìn gánh hàng hoa cúc, chợt mỉm cười, thơm ngát và e ấp trong lòng Hà Nội, ấy là hương Hoa Cúc của chúng mình chứ đâu!!!

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here