Cây lá móng – nguồn gốc và công dụng!

1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (1 votes, average: 5,00 out of 5)
Loading...
0
1064

Cây lá móng là gì?

Cây lá móng (henna) tên khoa học là Lawsonia inermis, cây còn có nhiều tên gọi khác là cây lá móng tay, cây thuốc mọi, móng tay nhuộm, lá móng, lựu mọi, thuốc mọi lá lựu, chỉ giáp hoa, phương tiên hoa, tán mạt hoa, khau thiên (Tày), kok khau khao youak, khoa thiên (Lào).

Cây có thân nhỏ (đường kính 3 cm), cao từ 3 – 4 m, da nhẵn (mọc hoang có gai ở đầu cành, không nhọn sắc). Lá mọc đối, cuống ngắn, phiến lá đơn, nhỏ, hình trứng bầu dục nhưng đầu, cuống hơi dẹp, lá dài từ 3–7 cm, rộng 2–4 cm. Cụm hoa hình chùy mọc ở đầu cành, gồm nhiều hoa nhỏ màu trắng, đỏ hay vàng, thơm. Quả mang hình cầu to bằng quả hạt tiêu, không nứt, phía cuống có đài bao bọc, có 4 cạnh dọc, 4 ngăn, trong chứa nhiều hạt nhỏ, có cạnh góc, vỏ hạt dai, rất dày, phía dưới xốp.

2. Nguồn gốc của cây lá móng

Cây lá móng có nguồn gốc ở vùng Bắc Mỹ, hoặc Tây Nam Á, được trồng rải rác ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới thuộc Tây Nam Á, Ấn Độ, Bắc Phi,… để làm cảnh, lấy lá làm thuốc nhuộm và thuốc chữa bệnh.

Ở Việt Nam, lá móng trồng rải rác quanh bờ rào, ở vườn nơi có nhiều ánh sáng, đất ẩm. Cây sinh trưởng mạnh vào mùa xuân – hè; rụng lá vào mùa đông, cây ra hoa quả hàng năm và có khả năng tái sinh sản vô tính mạnh. Về mùa đông, người ta thường cắt bớt cành để cây ra nhiều chồi nhánh.

Lá móng được trồng chủ yếu bằng bạt. Ngoài ra có thể giâm cành, nhưng kết quả không cao, hạt lá móng có vỏ dày, trước khi gieo cần ngâm vào nước ấm 50 độ trong 1 – 2h. Thông thường, hạt được gieo trong vườn ươm vào tháng 2 – 3, đến tháng 8 – 9 hoặc mùa xuân năm sau thì đánh cây con đi trồng.

Đất trồng lá móng phải đủ ẩm, không bị úng ngập, thường trồng theo hốc, cách nhau 2 – 3m. Có thể tận dụng đất bờ rào, bờ ao để trồng. Hàng năm, cần phát quang cỏ dại, xới xáo 1 – 2 lần, bón thúc bằng nước phân, nước giải pha loãng.

3. Công dụng của cây lá móng

Trong dân gian lá móng được sử dụng với nhiều công dụng khác nhau: Làm thuốc nhuộm, làm các bài thuốc chữa bệnh,…

Tác dụng nhuộm màu:

Ở trạng thái tươi, lá móng chứa các heterosid khi thủy phân ( bởi men) cho chất lawsone với hàm lượng khoảng 1% ( tính theo dược liệu khô). Chất này kết tinh hình kim mảu đỏ cam, ít tan trong nước lạnh, tan nhiều trong nước nóng. Lawsone khi liên kết với các protein trong tế bào da hoặc tóc sẽ cho ra màu nâu đỏ. Nhờ tính chất này nên lá móng được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới như là một loại thuốc nhuộm tự nhiên. Ngày nay để dễ dàng sử dụng và bảo quản được lâu hơn, người ta phơi khô lá móng sau đó nghiền mịn thành bột lá móng.

Bột lá móng được sử dụng để nhuộm tóc, nhuộm vải, nghệ thuật vẽ hình cơ thể (henna),…

Trước kia, người Việt Nam thường dùng cây Lá móng để nhuộm móng tay chân, nhất vào dịp Tết Ðoan Ngọ (5 tháng 5).

Ngày nay, lá móng được sử dụng rộng rãi trong mỹ phẩm do các tính chất nhuộm màu của nó (như trong nước gội đầu, thuốc nhuộm tóc). Chất lawsone dính chặt vào tóc, có thể là do có sự phản ứng với các nhóm thiol của keretin ở tóc.

Tác dụng dược lý

Năm 1961 Phòng đông y thực nghiệm Viện vi trùng Việt nam đã thí nghiệm tác dụng kháng sinh của lá móng tay thấy tác dụng kháng sinh của lá rất mạnh. Nước sắc có tác dụng kháng sinh đối với Tụ cầu 209 p (lcm), Typhi (l,2cm), Flexneri (0,8cm), Shiga (l,2cm), Sonnei (0,5cm), Subtilis (0,8), trực trùng Coli gây bênh (0,5cm), Coli bethesda (0,4cm).

Người Ả Rập cũng dùng nó làm thuốc điều kinh và gây sẩy thai. Nhân dân ta cũng dùng lá móng làm thuốc thông kinh với hoa Chổi sể.

Vỏ thân được dùng chữa tê bại, nhức mỏi. Ở Ấn Ðộ, cũng dùng trị vàng da, sưng lá lách, đau sạn sỏi, bệnh ngoài da và phong cùi. Rễ dùng làm thuốc trị viêm phế quản. Ở Ấn Ðộ, người ta dùng dầu và tinh dầu xoa đắp lên cơ thể để làm mát.

Trong Trung dược đại từ điển và Trung Hoa bản thảo, Lá móng (Chỉ giáp hoa diệp) có công năng thâu liễm cầm máu, chủ trị vết thương chảy máu với cách dùng chủ yếu giã cây tươi hoặc bột lá khô đắp ngoài, không thấy nói cách dùng uống trong như tài liệu của Việt Nam, mặc dù phần dược lý tác dụng các sách có nói Lawsone của Lá móng có kết cấu tương tự với Vitamin K có tác dụng cầm máu và hạt lá móng tay có tác dụng hưng phấn đại não từ từ và có thể dùng chữa chứng suy giảm trí nhớ hay công năng tinh thần toàn thân bất túc của thanh niên.

Nhờ tác dụng khác sinh mạnh lá móng còn dùng chữa hắc lào, bệnh da vàng, bệnh hủi, lở loét. Người ta cho rằng lá móng tay có tác dụng làm cho tóc và móng tay chóng mọc. Lá tươi giã nát trộn với dấm thanh dùng để chữa bệnh ngoài da. Tại một số nước, người ta dùng vỏ thân cây làm thuốc chữa bệnh gan, bệnh tuỷ sống lưng, chữa tê bại nhức mỏi. Có khi còn dùng chữa kinh nguyệt không đều, có thể gây sẩy thai. Nhân dân Cămpuchia dùng để làm thuốc lợi niệu, chữa ho, viêm khí quản.

Một số bài thuốc từ lá móng

Một số cách dùng:

1. Chữa con gái chậm thấy kinh: Lá móng 30g sắc uống.

2. Thông kinh bế để tránh thụ thai. Lá móng 50g, Ích mẫu 40g, Nghệ đen 30g sắc uống liều 3 thang cho đến khi thấy kinh mới thôi.

3. Chữa nấm móng tay, móng chân, lở ngứa ở kẽ chân móng rồi lây lan sang các ngón khác và có khi lở ở bàn tay bàn chân. Dùng lá móng giã nát với ít hạt muối đắp vào buổi tối, buộc rịt lại. Ngày có thể mở ra cho thoáng hơi và dễ làm việc.

Tuần đầu thay thuốc mới hằng ngày. Tuần thứ hai, đắp thuốc thưa ra 2 ngày một lần. Tuần thứ ba đắp 3 ngày một lần. Ðến khi hết lở ngứa mà bong da, thì bôi nhựa lá Lô hội, hay đắp lá móng, hoặc bôi dầu Gấc. Hoặc dùng: Lá móng, lá Bạch hạc, lá Phèn đen, lá trâm bầu, mỗi vị 100g, giã nát, ngâm vào 100ml rượu trắng. Dùng tăm bông tẩm thuốc bôi 2-3 lần trong ngày.

Một số lưu ý khi sử dụng lá móng

Cây thuốc này có công dụng hoạt huyết phá ứ mạnh, nên không dùng cho người không có chứng ứ huyết, nhất là phụ nữ có thai, người già và trẻ em. Vì vậy mong bạn đọc không được tùy tiện sử dụng, khi dùng phải theo chỉ định và dưới sự theo dõi của thầy thuốc để tránh các tác dụng phụ, nguy hiểm và bất lợi.

Có thể bạn muốn biết:

Xu hướng sử dụng cây thuốc trong phòng và chữa bệnh

Tía tô – loại thần dược mà người Việt ít chú ý

Đinh lăng – sâm của người nghèo

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here