Tía tô – loại thần dược mà người Việt ít chú ý

1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (No Ratings Yet)
Loading...
0
365

Người Việt Nam vốn không lạ lẫm gì khi nhắc đến cây tía tô, nhưng để sử dụng tía tô như một bài thuốc chữa bệnh thì chắc chắn không phải ai cũng biết. Mặc dù trên thực tế, kinh nghiệm dân gian Việt Nam về loài cây này cũng khá phong phú, tuy nhiên tía tô vẫn còn nhiều lợi ích cho sức khỏe mà ít ai biết đến.

Mô tả về cây tía tô

Tía Tô là loại cây cỏ sống hàng năm, chiều cao trung bình từ 0,5-1m, thân thẳng đứng, có thiết diện vuông, toàn thân có lông màu trắng. Lá mọc đối chéo chữ thập, phiến lá hình trứng, đầu nhọn, mép có răng cưa, có màu tím hoặc xanh. Hoa từng chùm dài khoảng 6-20 cm, mọc ở kẽ lá hoặc đầu cành, cánh hoa hình môi, màu trắng hoặc tím nhạt. Quả nhỏ, đường kính khoảng 1mm, màu nâu nhạt, có mùi thơm nhẹ.

Tại Việt Nam thường trồng phổ biến 2 giống Tía tô: Tía tô màu tím và Tía tô màu lục. Thời gian gần đây có du nhập về trồng giống tía tô đỏ từ Nhật Bản. Loại này có mùi vị thơm đặc trưng, lá màu đỏ rất bắt mắt và tác dụng làm thuốc rất tốt, thường được sử dụng để lấy màu cho các thực phẩm khác. Ngoài ra người Nhật còn dùng Tía tô đỏ để làm nước giải khát có vị chua và ngọt.

Tía tô trong y học phương Đông

Đông y cho rằng tía tô có vị cay, tính ấm, đi vào các kinh tâm và phế, làm thoát mồ hôi, hạ khí, tiêu đờm. Lá tía tô có tác dụng chữa hắt hơi, sổ mũi do viêm long đường hô hấp trên (cảm mạo), sốt, ho, bí mồ hôi, giúp tiêu hóa. Lá non được sử dụng làm gia vị, thái sợi nhỏ cho vào cháo nấu với thịt nạc băm nhỏ làm thuốc giải cảm, bí mồ hôi. Cành tía tô có tác dụng an thai. Quả tía tô có tác dụng chữa ho, trừ đờm, hen suyễn, tê thấp.

Thông thường, người Việt thường sử dụng tía tô nấu cháo giải cảm. Công thức rất đơn giản: Nấu cháo gạo tẻ nhuyễn cho ra bát, lá tía tô thái nhỏ trộn vào cháo khuấy đều rồi ăn lúc con nóng để phát huy hiệu quả, có thể thêm hành lá tươi thái nhỏ. Xông xong  nằm nghỉ một lúc dậy ăn bát cháo giải cảm này là phương pháp giải cảm lạnh dân gian rất có hiệu nghiệm.

Tuy nhiên, nghiên cứu của viện Y học cổ truyền TP. Hồ Chí Minh còn cho thấy tía tô có nhiều công dụng hơn là giải cảm. Có thể tham khảo một số bài thuốc y học cổ truyền sử dụng cây tía tô để chữa bệnh sau đây:

Tía tô giải độc cua cá, chữa đau chướng bụng: Lấy lá cây tía tô tươi 30-50 g, giã nát, vắt lấy nước cốt uống 1 lần sẽ giảm chướng. Sắc lá cây tía tô, cam thảo, gừng sống mỗi thứ 10g, lấy 1 cốc (200ml) chia 3 lần trong ngày, uống nóng.

Dùng tía tô nấu nồi nước lá xông giải cảm, lạnh: Lấy lá tía tô cùng các lá thơm khác tạo thành nồi lá xông và lau rửa. Nếu lá được rửa sạch kỹ thì có thể lấy ra một bát để uống trước hay sau khi xông. Xông xong lau khô mồ hôi cả người đắp chăn nằm nghỉ.

Lá tía tô chữa bệnh ở trẻ em ho nhiều thở gấp, mặt tím tái: Hạt cây tía tô 20g tán thành bột, hòa với nước đun sôi để còn âm ấm, lọc bỏ bã cho uống. Cẩn thận hơn thì cho bột vào túi vải hãm vào nước sôi. Hoặc lấy bột này hòa vào cháo, hãm vào nước sôi hoặc hòa vào nước cơm cho trẻ uống.

Tía tô chữa các chứng chảy máu do ho, nôn, tiêu chảy: Lấy nhiều lá tía tô cho vào nồi đun gạn bỏ bã, cô đặc thành cao. Lấy một ít đậu đỏ rang vàng, tán nhỏ trộn với cao trên rồi viên thành từng hạt nhỏ để uống, mỗi lần 50 viên. Thuốc này sẽ hạn chế được phần nào sự chảy máu.

Tía tô giúp chữa bệnh Gout: Bệnh Gout hiện nay tương đối phổ biến ở Việt Nam, người bị bệnh Gout, ăn thêm Tía tô bằng cách ăn rau sống tốt hơn là nấu chín. Khi cảm thấy khớp xương có dấu hiệu sắp sưng tấy lên, hãy lấy ngay lá Tía tô nhai và nuốt để chặn cơn đau lại. Hoặc lấy 6-12g lá Tía tô rồi cho vào nồi đun sôi, gạn lấy nước uống. Lưu ý: không sắc nước lá Tía tô quá 15 phút sẽ làm mất tinh dầu trong lá. Có thể sao khô cành mang lá Tía tô, tán thành bột để pha trà uống hàng ngày, hoặc nhào bột với nước nóng thành bột nhão đem đắp trực tiếp vào vị trí khớp bị viêm sẽ nhanh chóng làm giảm cơn đau nhức, giảm tình trạng viêm tấy đỏ.

Trong y học cổ truyền của Nhật Bản cũng lưu truyền lại nhiều công dụng làm đẹp của tía tô, theo đó: Tía tô có thể tẩy tế bào chết, làm sáng da, các làm rất đơn giản, chỉ cần dùng lá và cành tía tô vò nát, nấu làm nước xông và tắm là phương pháp hiệu quả giúp tẩy tế bào chết và làn da sáng lên. Đối với việc nấu nước tắm: Bạn cần vò một nắm cả lá và cành tía tô (lượng dùng tuỳ ý), cho vào 2 lít nước, đun sôi lên khoảng 10 phút, để cho đủ ấm. Sau đó dùng hỗn hợp này làm ướt người, bã tía tô để chà lên người. Đối với việc nấu nước xông: Lá tía tô 150g (có thể dùng bột lá tía tô 15g) cho vào chậu nhỏ, chế với 500ml nước sôi, chùm khăn hoặc vải mềm lên xông da mặt từ 10 – 15 phút. Dùng 2 – 3 lần/tuần. Kiên trì làm trong vòng 3 – 4 tuần. Việc xông hơi giúp giãn mạch máu dưới da, mở rộng lỗ chân lông, đào thải chất cặn bã. Tinh dầu và hoạt chất trong tía tô giúp sát khuẩn, tẩy tế bào chết. Từ đó, da trở nên mềm mịn, trắng sáng hơn. Ngoài ra cách này còn làm giảm các triệu chứng viêm mũi họng, phòng trị cảm mạo rất hiệu quả.

Tía tô trong y học phương Tây:

Trong lá, thân và hạt của cây tía tô chứa nhiều thành phần hóa học có lợi:

Tía tô chứa 0,3-0,5% tinh dầu (theo trọng lượng khô), citral 20%. Thành phần tinh dầu chủ yếu là perillaldehyd, L-perrilla alcohol, limonen, α-pinen, hydrocumin, còn có elsholtziaceton, β-cargophylen, bergamoten và linalool perillaldehyd.

Hạt chứa nước 6,3%, protein 23,12%, dầu béo 45,07%, N 10,28%, tro 4,64%, acid nicotinic 3,98 mg/100 g. Thành phần dầu béo của hạt gồm acid béo chưa no 3,5-7,6%, oleic 3,9-13,8%, linoleic 33,6-59,4%, acid linolenic 23,3-49% (một số mẫu dầu còn chứa trên 70% acid linolenic).

Trong đó, Acid Linolenic là một trong hai axit béo thiết yếu (còn lại là axit αlinoleic), sở dĩ được gọi như vậy vì đây là hai axit cần thiết cho sức khỏe và không thể tổng hợp được trong cơ thể con người, mà có được thông qua ăn uống. Việc sử dụng hạt tía tô và các loại tinh dầu chiết suất từ hạt tía tô giúp bổ sung Acid Linolenic, giúp tăng cường chuyển hóa thành DHA (Đặc biệt là ở nữ giới), ngoài ra còn có công dụng phòng ngừa các bệnh về tim mạch.

Giá trị kinh tế của cây tía tô ngày nay

Ở Việt Nam hiện nay đang phát triển một số mô hình nông trại trồng tía tô xuất khẩu. Tại các nông trại này, tía tô được trồng và thu hoạch 100% bằng tay, đảm bảo các yêu cầu khắt khe nhất của các thị trường xuất khẩu chính là Nhật Bản và Hàn Quốc.

Một số hộ nông dân ở Bắc Ninh đã chuyển đổi sang mô hình trồng cây tía tô xuất khẩu. Lá xuất khẩu được là lá từ thứ 7 trở lên của cây, nhưng phải đảm bảo kích cỡ 6-8cm. Trung bình mỗi chiếc là có giá 700vnđ. Theo tính toán, thì một hécta trồng tía tô sẽ cho thu hoạch khoảng 17-18 triệu lá, doanh thu tầm 2,5 tỷ đồng.

Hiện nay, trong điều kiện sống của con người chịu nhiều tác động của các yếu tố hóa học độc hại, việc tìm đến các bài thuốc chữa bệnh có nguồn gốc thiên nhiên, thân thiện với sức khỏe mà không gây ra tác dụng phụ ngày càng được chú trọng. Và chắc chắn rằng, với những công dụng tuyệt vời của mình, cây tía tô sẽ trở thành 1 thực phẩm không thể thiếu trên bàn ăn của người Việt!

Có thể bạn quan tâm:

Công ty Akina Đông Á đầu tư phát triển cây Tía tô Nhật Bản chất lượng cao

Tổng hợp tác dụng của tía tô qua góc nhìn khoa học

Công dụng đặc biệt của cây tía tô với sức khỏe và đời sống

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here