Nhà văn Nam Cao với thanh lọc tâm hồn và hoàn thiện nhân cách

1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (1 votes, average: 5,00 out of 5)
Loading...
0
4294

Đã có không ít bình luận về đời và văn Nam Cao, rộ lên từ khoảng năm 1960 trở đi. Năm nay là năm kỷ niệm 65 năm nhà văn, liệt sĩ Nam Cao đã hy sinh trong chuyến đi công tác định mệnh vào tháng 11 – 1951. Chuyến đi dũng cảm, quyết liệt ấy, với Nam Cao như sự vượt mình ghê gớm, là cuộc vượt thoát ngoạn mục khỏi những yếu đuối cố hữu, để hoàn thiện mình, làm nên một nhân cách cao đẹp của một nhà văn – chiến sĩ. Trong bài viết này, tôi muốn được nói thêm về nét tính cách con người Nam Cao. Đó là ý thức thường trực của nhà văn với một vấn đề có tính chất xã hội rộng lớn: vấn đề thanh lọc tâm hồn, cải tạo tư tưởng, hoàn thiện nhân cách con người.

Trước cách mạng, Nam Cao với chủ nghĩa hiện thực mang tính nhân văn sâu sắc, đã đề cập đến số phận con người, thậm chí kiếp người trong khổ đau, đè nén, kìm hãm, đày đọa vào thời nô lệ. Bao bi kịch, thảm cảnh đã diễn ra, được trình bày trên các trang văn. Đó là bi kịch sống mòn mỏi, quẩn quanh, thiểu não, tàn lụi của lớp tri thức nghèo thành thị. Cuộc sống màu xám bị lên án đến mức “mốc lên, rỉ đi, mòn ra, mục ra”, là sống mòn, cũng là chết mòn, chẳng khác nào đã chết khi còn đang sống. Rồi bi kịch của kẻ cố cùng, tha hóa bị giày xéo tột độ đã dẫn đến thảm kịch tự kết liễu đời mình, cùng với sự manh động giết kẻ thù cường hào, ác bá.

Tuy nhiên, qua những hoàn cảnh bi thảm đó, ngoài tiếng nói phê phán, lên án, tố cáo còn có thông điệp triết lý sâu xa của nhà văn về trạng thái tâm hồn và vấn đề cải tạo bản thân để vượt thoát khỏi bi kịch tinh thần, tư tưởng của con người. Chủ đề của Sống mòn đề cập đến cách sống. Qua tác phẩm, cuộc sống bế tắc, quẩn quanh, tù túng, ngưng đọng đến mốc meo, mòn rỉ và mục rữa như đang tự hủy hoại. Cuộc sống ấy đã tố cáo chính quan niệm sống của những con người thiểu não, vừa đáng thương, vừa đáng giận. Nhân vật Thứ thể hiện rất rõ một tâm trạng đầy dằn vặt, lo lắng, tủi hổ, chua chát về phận nghèo. Những tính toán nhỏ nhen, vụn vặt, tầm thường của con người còm nhom, sẻn so. Cuộc sống dồn ép nhà trường đóng cửa. Thứ lại ở trên con tàu về một xó nhà quê với bao tủi cực, anh sẽ chết mà chưa sống. Thứ có khát vọng sống chính đáng, sống lương thiện bằng sức lực của mình, thoáng có ý thức vượt thoát hoàn cảnh sống tù túng, nhưng bất lực, buông trôi, không dám, vì không đủ sức đổi thay hoàn cảnh.

Sống mòn là tiểu thuyết mang đậm yếu tố tự thuật của Nam Cao. Nhà văn như kể lại cảnh sống một thời của mình và đồng nghiệp, những nhà giáo khổ kiết xác ở trường tư. Cũng có thể xem đó là những lời tự thú. Tự thú về những dằn vặt, những lo toan eo xèo, những tủi hổ, âm thầm, xót xa về những yếu kém như Thứ từng bộc lộ. Đó chính là thực trạng của bi kịch tự nhận thức, xuất phát từ cảm hứng nhân đạo của Nam Cao.

Xem thêm:

Sự thật về tâm linh – phần 1

Để có được sự thanh tịnh trong tâm hồn

Giữ sự trẻ trung trong cả tâm hồn và thể chất

Nhân vật tự ý thức về mình, về hoàn cảnh và giá trị thực của bản thân. Tự ý thức là trình độ cao của ý thức để tự đào sâu, mổ xẻ nội tâm, tự cải tạo. Con người dám nhìn thẳng vào tâm hồn, vào lương tâm mình và tiến hành đấu tranh với những yếu kém, bất cập, phát huy trách nhiệm sống và ước vọng sống.

Nhân vật của Nam Cao từng có những khát vọng cao đẹp về cuộc sống đời người: “Mỗi người sống phải làm thế nào cho phát triển tận độ những khả năng của loài người chứa đựng trong mình. Phải gom góp sức lực của mình vào những công việc tiến bộ chung. Mỗi người chết đi phải để lại một chút gì đó cho nhân loại” (Sống mòn). Ánh sáng của sự tự ý thức giúp cho con người có sự tỉnh táo cần thiết của lương tri. Họ sẽ có tinh thần trách nhiệm trước cuộc đời, trước hết cho cuộc đời riêng, sau đó là nhân sinh xã hội (Đời thừa, Trăng sáng, Nước mắt, Sống mòn…). Qua tác phẩm, Nam Cao thể hiện một quan niệm chính đáng. Nhà văn không hoàn toàn đổ lỗi cho hoàn cảnh khách quan của xã hội, mặc dù đó là một áp lực tàn nhẫn ghê gớm.

Mỗi cá nhân phải có trách nhiệm về bản thân mình. Nếu có đầy đủ ý thức sẽ tạo được sức mạnh vượt thoát. Sức mạnh ấy chính là ở tâm hồn con người, ở sự thức tỉnh, bừng ngộ bản thân. Nhà văn kêu gọi một quan niệm sống chính đáng, một ý thức đầy trách nhiệm trong mối quan hệ mật thiết với sự phát triển chung của xã hội loài người. Đó là tinh thần nhân văn mới mẻ và sâu sắc của Nam Cao.

Thế giới tâm hồn, dưới ngòi bút hiện thực tâm lý Nam Cao, cực kỳ phong phú và phức tạp. Nhân vật Chí Phèo mang tính cách đặc biệt: tính cách lưỡng hóa. Tính cách này có rất nhiều dao động. Sự vận động tính cách của hắn rất phức tạp, đa tuyến, dao động trên nhiều phương diện: đạo đức (thiện – ác), tình cảm (yêu – ghét), nhận thức (ý thức – vô thức) và triền miên trong trạng thái sinh lý tỉnh – say, say – tỉnh. Từ lương thiện, hắn trở thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại.

Tuy nhiên, hắn đã nhiều lần thể hiện khát vọng hướng thiện. Khát vọng ấy trồi lên, tụt xuống. Cuối cùng là sự phá sản của nhân phẩm. Hắn trở nên bất lực trước hành động để thực hiện mơ ước hướng thiện của mình. Hắn hướng thiện còn nằm ở tiềm năng, ở mơ ước. Đã có sự đấu tranh giữa các mặt đối lập trong con người hắn. Hắn đã có những thời khắc thức tỉnh, đã có những phút giây lột xác. Hắn đã sống buông thả, không tự chủ cho đến cuối đời với kết cục bi thảm. Cái chết đến với hắn là sự cô đơn tuyệt đối. Hắn chưa là một nhân cách tự chủ. Và không có một nhân cách tự chủ thì không thể sống mà làm người lương thiện được.

Nhiều người đã nghĩ đến một ngày tái sinh kỳ lạ của Chí Phèo. Nguyễn Minh Châu tưởng tượng: “Nguy hiểm nhất là bây giờ, hắn – cái thằng Chí Phèo ấy – đã cầm một khẩu súng luôn luôn nạp đầy đạn, hắn đã đăng lính ngụy, đã trở thành một tên ngụy ác ôn, trong tay hắn không chỉ có chai rượu mà con cầm một thứ vũ khí giết người rất nhanh, và đôi chân hắn đã xỏ đôi giày trận và một cái ví mới, nhét trong túi bắt gà căng phồng những xấp tiền Đông Dương” (1). Rồi lại tiếp tục tưởng tượng, Nam Cao hạ bút viết rằng: “Chí Phèo được cách mạng chăm sóc, giác ngộ, làm đổi đời, đã trở thành một con người tử tế, lương thiện. Chí Phèo vào dân quân. Chí Phèo gia nhập nông hội. Chí Phèo đánh giặc giữ làng”. Nhưng vừa viết vừa ngờ ngợ… và Nam Cao dừng lại trong sự ngờ vực.

Quả là, cách mạng đã làm đổi đời, làm thay đổi cả tính cách những con người, trong đó có Chí Phèo. Nhưng con người đã lưu manh hóa, khó cải tạo như Chí Phèo thì khả năng hóa lính ngụy nhiều hơn là thành một người dân quân. Tưởng tượng và dự đoán ấy là hợp lôgic. Nguyễn Minh Châu đã xác định được một vấn đề hết sức quan trọng mà Nam Cao một đời đau đáu nghĩ suy, đó là nhân cách con người. Con người trở nên tốt, hay xấu là do ý chí, sức mạnh tâm hồn, đó là sự thật không thể chối cãi.

Nhà văn Nam Cao với thanh lọc tâm hồn và hoàn thiện nhân cách

Cũng theo Nguyễn Minh Châu, một phẩm chất cao đẹp về tư cách nghệ sĩ của nhà văn Nam Cao là thái độ tự trọng cao độ, nghiêm khắc đến mức riết róng đối với chính mình về việc giữ gìn nhân cách. Từ đó, Nam Cao kêu gọi mọi người cần biết giữ vững nhân cách.

Viết văn trong cuộc đời mới chính là quá trình làm nên nhân cách mới của Nam Cao. Tất cả công việc nhằm mục tiêu: có ích. Và Nam Cao đã viết như vậy. Viết trước hết phải có tư cách công dân. Đôi mắt ở mức khái quát là vấn đề nhân cách, cũng là nhân cách nhà văn. Đó là cách nhìn người, nhìn đời và còn là cả cách viết.

Trong nhật ký Ở rừng, Nam Cao đã có nhiều nhận xét, tự nghiệm, tự nhủ và cả tự kiểm của một người viết về quần chúng nhân dân và các sự kiện kháng chiến. Những dòng ghi ngày 3-11-1947 có nội dung: “Gần gũi những người Dao đói rách và dốt nát, thấy họ rất biết yêu cách mạng, làm cách mạng chân thành, sốt sắng và tận tụy, chúng tôi thấy tin tưởng vô cùng… Cách mạng đã đổi hẳn óc mình. Kháng chiến chẳng những làm già dặn thêm khối óc đã mới kia, còn thay đổi ngay chính thân thể mình…”.

Nam Cao phát hiện ra cái sức lực bản thân. Quan trọng nhất, đó là cái nội lực tâm trí của mỗi người. Thêm vào đó là sự động viên của các đồng chí, đồng bào: “Tôi xấu hổ cho tâm hồn ủy mị của tôi. Các anh hãy dạy tôi biết hy sinh, biết chiến đấu – chiến đấu lặng lẽ, chiến đấu không nghĩ gì đến cái tên mình nữa. Các anh hãy rọi vào lòng tôi ánh nắng rực rỡ trong đôi mắt và cõi lòng của các anh. Lòng tôi vẫn còn u ám lắm. Những đám mây đen xưa cũ vẫn còn lởn vởn. Các anh hãy quét sạch nó hộ tôi. Quét sạch! Để cho tâm hồn quang quẻ và mới hẳn” (2).

Nam Cao đề xuất vấn đề đầy ý nghĩa sâu xa: sự thanh lọc tâm hồn. Dấn thân thực sự vào đời sống, vào nhân dân, vào hiện thực cách mạng và kháng chiến, Nam Cao đồng thời tiến hành cuộc tự cải tạo, từ bỏ những thói tật cũ xấu xa, bồi đắp ý thức, tư tưởng cách mạng. Nói cách khác, nhà văn tiến hành cuộc tẩy rửa, thanh lọc tâm hồn để trở thành con người mới của xã hội tự do, dân chủ. Nhà văn làm nên mình để làm nên văn. Chuyển biến tư tưởng sẽ tạo nên chuyển biến của ngòi bút.

Xem thêm: Vòng dâu tằm

Cộng đồng và ý thức cộng đồng có tác động quan trọng đến nhân cách con người. Trường hợp nhân vật trong Chí Phèo là như vậy. Là đứa trẻ bị bỏ rơi, lớn lên đã có lúc là con người lương thiện, nhưng rồi tứ cố vô thân, một mình một bóng, Chí bị đẩy vào tội lỗi, tha hóa thành con quỷ dữ làng Vũ Đại, chỉ đón nhận sự khinh bỉ, ghét bỏ của cộng đồng. Hắn trở thành con người cô đơn nhất. Trong thâm tâm, hắn muốn làm hòa với mọi người và gắn bó với dân làng. Dân làng đã có lúc tạo nên một sức mạnh hậu thuẫn trong những lần hắn đến đòi nợ Bá Kiến – “vả lại, những người đứng xem đã về cả rồi, hắn thấy hắn hình như trơ trọi. Cái sợ cố hữu trong lòng thức dậy, cái sợ xa xôi thuở ngày xưa” (3). Rõ ràng, con quỷ dữ làng Vũ Đại đã phải lấy sức mạnh từ cộng đồng. Nhưng rồi, người ta cũng không còn quan tâm tới sự ăn vạ của hắn nữa. Ý thức cộng đồng thường thể hiện qua dư luận xã hội. Mà dư luận xã hội lại thường có thiên kiến, vô tình. Chính dư luận kiểu ấy đã góp phần một cách vô ý thức vào cái kết thúc bi thảm của cuộc đời Chí Phèo xưa kia.

Nhà văn Nam Cao với thanh lọc tâm hồn và hoàn thiện nhân cách

Cũng vậy, dường như sự khinh bỉ của những người lương thiện đã giết chết Lang Rận, đã làm cho Đức phát điên (Lang Rận và Nửa đêm). Họ chọn cái chết vô nghĩa lý để tránh nỗi nhục nhã trước sự khinh bỉ của dư luận.

Chính Nam Cao đã đau xót trước thực tế của một áp lực dư luận xã hội có ảnh hưởng quan trọng tới nhân cách con người: “Hỡi ôi! Thì ra lòng khinh trọng của chúng ta có ảnh hưởng đến cái nhân cách của người khác nhiều lắm: nhiều người không biết gì là tự trọng, chỉ vì không được ai trọng cả, làm nhục người là một cách rất diệu để người sinh đê tiện” (4). Đó là những dòng trữ tình ngoại đề trong Tư cách mõ.

Dư luận của xã hội phát triển, trình độ dân trí cao thường công bằng, khách quan. Đó là sự đánh giá, nhận xét của cộng đồng có ý thức, nên có tác động điều chỉnh hoặc khẳng định thái độ và hành vi cá nhân trong môi trường sinh sống. Do không có đủ dữ liệu thông tin, lời đồn thổi có khi chưa thật chính xác, hoặc do những mối quan hệ, dư luận có thể có thiên kiến. Dù sao, đó cũng là một sự phản hồi khách quan đối với cá nhân, có một tác dụng, ý nghĩa nhất định để hoàn thiện nhân cách theo hướng điều chỉnh hoặc phát huy. Điều quan trọng là cá nhân phải có bản lĩnh để tiếp nhận. Con người có bản lĩnh không sống vì dư luận xã hội, nhưng cũng không thể bỏ qua nó. Đó là một kênh thông tin khách quan, thông thường được hình thành trong dư luận một cộng đồng gần cận trước nhất.

Từ những hiện tượng xã hội một thời xưa kia, nay nhìn lại, phải chăng Nam Cao đã phát đi một thông điệp về nhân cách con người, mà ở đây chính là người nông dân. Con người phải sống có bản lĩnh khi đối mặt với những vấn đề thiết yếu, quan trọng trong cuộc sống. Lang Rận tìm đến cái chết vô lý vì sự hèn yếu của người đàn ông, không dám chịu trách nhiệm về việc mình làm. Nhu hiền lành đến mức đần độn, quá thụ động, phải chịu trách nhiệm về nỗi bất hạnh của chính mình (Ở hiền).

Ở mức khái quát cao hơn, Nam Cao như muốn đề cập tới con người giai cấp và đề xuất vấn đề cải tạo cái nhược điểm, yếu kém trong bản tính giai cấp để hoàn thiện nhân cách, ứng phó được mọi biến động theo yêu cầu tiến bộ xã hội. Đây là vấn đề đã được đặt ra công khai, minh bạch trong các cuộc chỉnh huấn, chỉnh Đảng ngày nay.

Chính Nam Cao đã thấy quần chúng nhân dân không chỉ là nạn nhân đáng thương của hoàn cảnh, mà đã trở thành người cải tạo hoàn cảnh: “Vô số anh răng đen, mắt toét, gọi lựu đạn là nựu đạn ra trận thì xung phong can đảm lắm” (Đôi mắt). Người nông dân, chủ lực quân của kháng chiến và cách mạng đã trở thành nhân vật trung tâm của thời đại. Những người tiểu tư sản lãng mạn đến ảo tưởng như Thứ, Hộ, Điền… theo kháng chiến đã vứt bỏ cái dao động cố hữu để kiên cường, quả cảm nhập cuộc, dấn bước cùng nhân dân. Độ (Đôi mắt) và nhiều nhân vật trong truyện của Nam Cao những năm đầu kháng chiến, chính là những hình ảnh ấy. Vấn đề là, những con người giai cấp ấy phải biết cải tạo mình để trở thành con người mới với phẩm chất mới.

Với một cảm quan văn hóa mới, Nam Cao đã không ngại phơi bày những hủ tục, những thói tật xấu kìm hãm sự phát triển của con người. Thứ trong Sống mòn đã than vãn: “Đó là tại thói quen. Không phải cái thói quen của riêng mình, nhưng là thói quen lưu truyền đã mấy đời, đến nỗi nó nhập vào máu chúng ta. Tư tưởng, tính tình, cảm giác, hành động của chúng ta đều khuôn theo những thói tục. Những lề lối sẵn trong thời đại của chúng ta. Thời thế thay đổi, lòng người thay đổi. Thế kỷ sau sẽ lọc máu cho chúng ta trong trở lại. Y thở dài, nghĩ bụng nhưng tại sao ta lại không thể nghĩ chuyện lọc máu ngay từ bây giờ” (5). Nam Cao đã có dự cảm về thời thế thay đổi và nhà văn muốn có sự thay đổi trong con người ngay từ bây giờ. Thực ra, tham vọng của nhà văn lớn lao lắm. Nam Cao có tham vọng lọc máu con người giai cấp và cả con người dân tộc.

Cách mạng tháng Tám là cuộc rung chuyển long trời lở đất, đã làm thay đổi tất cả. Nó đã đổi đời, đổi phận cho con người và cũng đã góp phần quan trọng đổi nhân cách cho con người, lọc máu cho dân tộc như ước vọng của Nam Cao. Tuy nhiên, để có dòng máu sạch, dòng máu chất lượng cao, dòng máu anh hùng thời đại tiếp mạch truyền thống là cả một quá trình. Quan trọng nhất là sự tự sinh thành, tự biến hóa của mỗi cá nhân với sự hỗ trợ mạnh mẽ của hoàn cảnh mới, điều kiện mới. Chủ nghĩa nhân đạo cách mạng chính là cây đũa thần giúp con người “phát triển tột độ những khả năng của loài người chứa đựng trong mình” như ý nghĩ tiến bộ của Thứ.

 

Chính Nam Cao đã dự cảm cái khó khăn của sự lọc máu qua thiên truyện Mò sâm banh viết vào ngày đầu cách mạng. Chuyện kể về anh bếp, làm thuê cho một ông chủ người Pháp, đã vô tình để mất đứa con trai vì bắt lặn xuống bể nước để mò chai sâm banh (rượu champagne). Chủ về đột ngột, anh quá sợ, đã đậy nắp bể và vội ra mở cửa. Bị chủ hỏi han, căn vặn tinh quái giờ lâu, lúc quay vào thì đứa con đã chết ở dưới bể. Nhưng, thảm hại hơn nữa, đến mức sợ ông chủ phát hiện bể nước bị ô nhiễm vì thân xác đứa trẻ, anh ta lại giấu giếm, âm thầm đem đứa con đi chôn trong nỗi đau đứt ruột. Truyện tố cáo sức mạnh vô hình, uy thế gây khiếp đảm của ông chủ thực dân và đầu óc nô lệ mụ mị của người làm thuê.

Vậy là, cách mạng đem lại tư thế mới cho con người tự do, nhưng việc cải tạo con người xã hội cũ để trở thành con người thực sự tự do là cả một lộ trình phấn đấu đầy gian khổ, cực nhọc, nhiều khi rất quyết liệt. Những di hại tư tưởng chẳng những cản trở tiến bộ cá nhân, mà có khi lại tác hại lớn đến cả tiến bộ xã hội. Tư tưởng tiểu nông, làm ăn manh mún không có tầm nhìn xa, tính cố hữu bảo thủ, trì trệ, tinh thần dao động thiếu kiên trì, tư duy có nét lãng mạn đến mức duy ý chí, ảo tưởng… là những xót xa trong đời sống cá nhân và hoạt động xã hội một thời, để lại những bài học sâu sắc trong sự nghiệp xây dựng xã hội mới ngày nay.

Nam Cao là một lương tâm lớn, một nhân cách cao đẹp. Nhà văn đã có tầm nhìn xa vượt thời gian với mối quan tâm hàng đầu trong sống và viết là hoàn thiện nhân cách con người, bằng chủ nghĩa nhân đạo cách mạng cao cả. Những vấn đề đã đề xuất, từ lâu vẫn còn mới mẻ, hiện đại, rất gần gũi với chúng ta hôm nay. Trên ý nghĩa ấy, Nam Cao như vẫn đồng hành với chúng ta trên trận chiến của cuộc cách mạng tư tưởng văn hóa đầy gian khó nhưng hết sức vinh quang ngày nay.

Theo vanhien.vn

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here