Đương quy nhật bản – sâm của phụ nữ

1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (No Ratings Yet)
Loading...
0
436

            Cây đương quy Nhật Bản – tên khoa học: angelica acutiloba hay còn gọi là sâm đương quy được dùng trong y học cổ truyền của nhiều quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam. Trong nên y học Á Đông, cây Đương quy nói chung thường được mệnh danh là “sâm của phụ nữ” bởi nó là vị thuốc đầu vị trong hầu hết các bài thuốc chữa bệnh của phụ nữ. Trong nội dung bài viết này, chúng ta cùng nghiên cứu một cách tổng quát và toàn diện về cây đương quy Nhật Bản và các công dụng chữa bệnh tuyệt vời của nó.

Cây đương quy Nhật Bản – loài cây không có ở Việt Nam

Đương quy Nhật Bản thân thảo, cao từ 75 – 100 cm khi ra hoa. Lá có cuống dài, có bẹ lá phía gốc, cuống lá màu tím nhạt, lá xẻ lông chim 3 lần, mép lá có răng cưa, không có lông. Hoa tự hình tán kép, cánh hoa màu trắng. Hoa của bông trung tâm nở trước, sau đó lần lượt đến hoa ở cành cấp 1, cấp 2, cấp 3. Thứ tự các cấp cành nở hoa cách nhau từ 4 – 6 ngày. Quả bế đôi, thuôn dài 4 – 5 mm, hẹp dần về phía gốc. Tâm bì có gân, có 4 – 5 ống dẫn ở phần lưng, bốn chiếc ở mặt bụng. Rễ cọc có rễ phụ, toàn thân có mùi thơm đặc biệt. Mùa hoa tháng 3 – 4. Mùa quả tháng 6 – 7.

Cây Đương quy được trồng hiện nay được nhập từ Nhật Bản vào Việt Nam năm 1990. Cho đến nay chưa tìm thấy Đương quy mọc tự nhiên trong hệ thực vật Việt Nam. ở Nhật Bản, Đương quy mọc hoang ở các vùng Ibuki và vùng ven sông Hida. Đương quy được trồng và sử dụng ở Nhật Bản là loài Angelica acutiloba. Đương quy thích ứng với khí hậu mát ẩm, biên độ nhiệt độ 15 – 25oC, vũ lượng 1600 – 2000 mm/năm, đất giàu mùn. Ở Việt Nam hiện nay, cây Đương quy Nhật Bản được công ty Akina Đông Á đưa về trồng tại Hà Giang và Lao Cai – nơi vốn có khí hậu mát mẻ quanh năm, phù hợp với điều kiện sinh trưởng và phát triển của cây.

Đương quy Nhật Bản trong y học truyền thống

Hai từ “đương quy” trong ngôn ngữ Hán Việt có nghĩa “về chỗ cần về”, vị thuốc này có thể điều khí, nuôi huyết, làm cho khí và huyết về đúng chỗ. Khi uống đương quy vào tỳ vị chỉ hỗ trợ tiết dịch vị, khi đến ruột mới hấp thu vào máu, đồng thời kích thích niêm mạc ruột hấp thu nhanh hơn, khi vào trong máu kích thích hấp thu oxy tăng nhanh, làm trẻ hóa tế bào máu. Đương quy có thể “hành”, có thể “giữ”, huyết trệ có thể tán, huyết hư có thể bổ, huyết táo có thể nhuận, huyết tan có thể về.

Cây đương quy thu hoạch về sẽ được cắt bỏ phần lá, giữ lại phần rễ, phơi khô hoặc sao khô để sử dụng. Có 3 cách chế biến đương quy:

Quy đầu: lấy một phần về phía đầu

Quy thân: bỏ đầu và đuôi

Quy vĩ: lấy phần rễ và nhánh

Rễ đương quy thường được thu hoạch vào mùa thu bởi đây là lúc rễ chứa nhiều hoạt chất nhất. Sau khi thu hoạch, rễ đương quy sẽ được xông khói với khí sulfur và cắt thành lát mỏng.

Đương quy có vị ngọt, hơi đắng, hơi cay, mùi thơm, tính ấm, có tác dụng bổ huyết. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng sâm đương quy có nhiều tác dụng tốt đối với sức khỏe như:

Ức chế sự kết tập tiểu cầu, liên quan đến điều trị huyết khối não và viêm tắc tĩnh mạch huyết khối, tăng cường tuần hoàn não.

Tăng sức đề kháng do kích thích miễn dịch, hoạt hóa tế bào lympho B và T, làm tăng sinh kháng thể. Hỗ trợ điều trị bệnh thiếu máu, suy nhược cơ thể.

Hỗ trợ điều trị rối loạn kinh nguyệt, kinh nguyệt ít, bế kinh, đau bụng kinh ở phụ nữ.

Đương quy còn có tác dụng điều trị tiêu hóa kém do tỳ hư dẫn đến khí huyết kém. Ngoài ra, loại cây này còn có tác dụng rất tốt trong việc điều trị bệnh táo bón.

Đương quy là đầu vị trong điều trị bệnh phụ nữ. Đồng thời cũng được chỉ định trong các đơn thuốc bổ và trị bệnh thiếu máu, đau đầu, cơ thể suy yếu, suy tim, mệt mỏi, đau lưng, đau ngực bụng, viêm khớp, chân tay đau nhức lạnh, tê bại, tê liệt, đại tiện táo bón, mụn nhọt lở ngứa, tổn thương ứ huyết, kinh nguyệt không đều, đau kinh, bế kinh (uống trước khi thấy kinh 7 ngày). Ngày uống 7 -10g, dùng dạng thuốc sắc hoặc ngâm rượu thuốc.

Theo tài liệu nước ngoài, Đương quy dùng điều trị kinh nguyệt không đều, huyết ứ trệ, đau kinh, bế kinh, sa tử cung, đau phong thấp, mụn nhọt, táo bón, hói đầu, điều trị cao huyết áp và hỗ trợ điều trị ung thư, làm thuốc giảm đau, chống co giật, làm ra mồ hôi, kích thích ăn ngon cơm. Phụ nữ mang thai uống trước khi sinh cho dễ đẻ.

Trong y học hiện đại

Theo nghiên cứu y học hiện đại, đương quy chứa nhiều nhóm hoạt chất quí như: Tinh dầu, trong đó quan trọng nhất là ligustilid có tác dụng làm tăng tuần hoàn máu và n-butylphtalid chữa đột quỵ do thiếu máu não cục bộ cấp tính; polycacharid tăng cường miễn dịch và ức chế khối u; các coumarin có tác dụng hoạt huyết; phytoestrogen làm giảm tác dụng kiểu oxytoxin của hormone tuyến yên, ức chế co bóp tử cung, chống viêm và hạ huyết áp; acid hữu cơ ferulic có tác dụng ức chế ngưng tập tiểu cầu, được chỉ định để chữa trị bệnh rối loạn kinh nguyệt, tim mạch, huyết áp cao và tăng khả năng thích nghi của cơ thể.

Hiện nay, vị thuốc này có thể có những dạng bào chế như: Thuốc nhỏ; Chiết xuất; Rượu thuốc; Dùng cây thuốc tươi; Viên nang; Dầu xoa bóp.

Các bài thuốc chữa bệnh từ đương quy

Các bài thuốc chữa bệnh phụ khoa từ đương quy

Phụ nữ kinh nguyệt không đều, cơ thể suy nhược: 12g đương quy, 8g bạch thược, 12g thục địa, 6g xuyên khung, 600ml nước, sắc còn 200ml, chia 2 lần uống trong ngày.

Phụ nữ mắc nhiều bệnh sau khi sinh: 16g đương quy, 12g thục địa, 6g xuyên khung, 8g bạch thược, 4g gừng khô, 8g đậu đen sao, 8g trạch lan, 8g ngưu tất, 12g ích mẫu thảo, 10g bồ hoàn. Sắc uống mỗi ngày một thang.

Phụ nữ mang thai bị đau bụng: 120g đương quy, 600g thược dược, 160g phục linh, 160g bạch truật, 300g trạch tả, 120g xuyên khung. Tất cả nguyên liệu đem đi tán mịn, dùng mỗi ngày 3 lần, mỗi lần một thìa cà phê với nước pha rượu.

Phụ nữ khó có con: 16g đương quy, 8g bạch giao, 14g địa hoàng, 12g thược dược, 8g tục đoạn, 12g đỗ trọng. Sắc uống mỗi ngày một thang.

Phụ nữ mất máu do băng huyết, tổn thương: 80g đương quy, 40g xuyên khung, trộn chung cho đều. Mỗi lần dùng 20g hỗn hợp trên với 2 bát nước, 1 bát rượu trắng. Sắc còn 1 bát, chia 2 lần uống trước khi ăn.

Các bài thuốc trị các bệnh khác từ đương quy

Trị các bệnh về răng miệng, môi miệng sưng đau, chảy máu: 1,6g đương quy, 1,6g sinh địa, 2g thăng ma, 1,2g hoàng liên, 1,2g mẫu đơn, thêm thạch cao nếu đau nhiều. Sắc uống.

Trị sốt rét lâu không khỏi: 12g đương quy, 10g ngưu tất, 12g miết giáp, 6g quất bì, 3 lát gừng sống. Cho nước vừa đủ sắc còn 1/3, chia uống 2 lần sáng và tối trước khi đi ngủ.

Trị ra mồ hôi trộm: 12g đương quy, 10g hoàng kỳ, 8g sinh địa, 8g thục địa, 6g hoàng cầm, 6g hoàng liên, 6g hoàng bá. Sắc còn 1/3, uống 2 lần sáng và tối trước khi đi ngủ.

Trị chứng mất ngủ: 12g đương quy, 8g toan táo nhân, 10g viễn chí, 10g nhân sâm, 10g phục thần. Sắc uống như trên.

Trị viêm tuyến tiền liệt: 15g hạt quýt, 15g hạt vải, 15g đương quy, 50g thịt dê. Nấu lên, ăn thịt, uống nước, tuần ăn 2 lần. Ngoài ra, bạn cũng có thể sắc nước uống với bài thuốc sau: 25g lá hành, 8g đương quy, 5g trạch lan.

Trị bệnh động mạch vành: 10g đương quy, 90g sơn tra, 15g ngó sen, 6g rễ hành. Tất cả cho vào nồi nấu với một ít nước. Uống 2 lần sáng và tối trong ngày.

Chữa huyết nhiệt, táo bón: đương quy, thục địa, đại hoàng, cam thảo, đào nhân, mỗi vị 4g, 3g sinh địa, 3g thăng hoa, 1g hồng hoa. Sắc uống.

Rượu đương quy

Rượu đương quy là loại đồ uống rất tốt cho sức khỏe, đặc biệt là đối với những người bị huyết áp thấp. Nếu bạn kiên trì dùng một thời gian, huyết áp sẽ trở về trạng thái ổn định.

Bạn cần chuẩn bị: 12g đương quy, 12g xuyên khung, 12g thục địa, 8g bạch thược, 8g đảng sâm, 8g hoàng kỳ, 8g phục linh, 8g cam thảo.

Cách làm đương quy ngâm rượu: lấy 5 thang thuốc với thành phần như trên ngâm với 1 lít rượu trắng. Ngâm trong thời gian 10 ngày là có thể sử dụng được. Mỗi ngày bạn uống 2 chén nhỏ vào buổi sáng và buổi tối.

Một số khuyến cáo khi sử dụng đương quy

Cây đương quy có một số tác dụng phụ bao gồm: Huyết áp thấp; Chán ăn, đầy hơi, co thắt đường tiêu hóa, rối loạn tiêu hóa; Kích ứng da, rối loạn cương dương; Nhạy cảm với ánh sáng, có nguy cơ nhiễm độc hoặc viêm da khi tiếp xúc với ánh sáng. Trong các trường hợp nguy cấp, người dùng sẽ bị xuất huyết nếu dùng cây đương quy chung với thuốc chống đông. Vì vậy, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ về cách dùng đương quy dưới dạng rượu thuốc, chiết xuất hoặc khi dùng cây thuốc tươi.

Bạn cần pha loãng thuốc với nước khi dùng thuốc đối với một số dạng bào chế, chẳng hạn dưới dạng rượu thuốc, tinh dầu.

Cây đương quy có thể làm da trở nên nhạy cảm và dễ cháy nắng, bạn nên sử dụng kem chống nắng và quần áo để che nắng.

Không nên lưu trữ đương quy trong hũ nhựa vì sẽ gây tương tác với tinh dầu trong cây.

Những quy định cho đương quy ít nghiêm ngặt hơn những quy định của tân dược. Cần nghiên cứu sâu hơn để xác định độ an toàn của vị thuốc này. Lợi ích của việc sử dụng đương quy nên cân nhắc với nguy cơ có thể xảy ra trước khi dùng. Tham khảo ý kiến tư vấn của thầy thuốc hay bác sĩ trước khi sử dụng vị thuốc này.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here