Vài nét về nghề dệt gấm – lụa Việt Nam

1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (No Ratings Yet)
Loading...
0
1204

Trên đất nước ta, có bao nhiêu vùng quê dệt gấm, lụa là có bấy nhiêu bài ca về tằm tang, tơ sợi, kim chỉ, gấm hoa. Đó là tiếng hát của các thế hệ thiếu nữ hái dâu ven bãi sông Lam (Nghệ An); câu ca tình tứ của các phường dệt vải Nghệ Tĩnh; là lời hát “xe chỉ luồn kim” vang vọng bên sông Cầu trên quê hương quan họ Bắc Ninh, là tiếng hát giao duyên, hát đối đáp nam nữ bên cánh đồng dâu ven sông Hồng. Làng nghề dệt đó cũng chính là làng nghề truyền thống, nghề dệt gắn liền với người nông dân Việt Nam.

Con gái vùng dâu tằm, con gái làng dệt Vạn Phúc – Hà Đông thường xinh đẹp, nền nã, giàu tình cảm. Đó chính là “mảnh đất” hình thành lên nghề dệt gấm truyền thống với nhiều màu sắc, hoa văn lạ mắt.

Vài nét về nghề dệt gấm - lụa Việt Nam

Không ít câu ca dao, tục ngữ ghi lại niềm tự hào của nhân dân ta đối với các vùng quê dệt một thời phồn thịnh: Tằm tơ làng Hồng/ Làng Vạc trồng bông, buôn bông.(Ca dao cổ Thanh Hóa)
Làng Gạ thì giỏi chăn tằm/ Làng La canh cửu, làng Đăm bơi thuyền. (Ca dao cổ Hà Đông)
Như vậy, nghề dệt vải truyền thống của nước ta đã có từ rất lâu đời, đã trải qua không ít biến cố, thăng trầm. Cho đến nay nghề dệt đã phát triển hơn rất nhiều và qua từng thời kỳ đã để lại những dấu ấn nhất định.

Một số làng nghề dệt gấm tiêu biểu.

Gấm – lụa Việt Nam, từ lâu đã trở thành loại sản phẩm hàng hóa nổi tiếng. Hàng gấm – lụa của ta bền, đẹp lại vô cùng phong phú về màu sắc, kiểu dáng được thị trường trong nước và quốc tế ưa chuộng. Ở trong nước, các loại hàng thủ công cổ truyền xưa nay đã được nhân dân sử dụng khá rộng rãi, cả nông thôn lẫn thành thị. Còn đối với quốc tế, gấm lụa Việt Nam có sức hấp dẫn không kém tơ lụa Trung Quốc và Nhật Bản. Không phải đến ngày nay hàng dệt thủ công và tơ lụa Việt Nam mới được xuất khẩu ra nước ngoài. Mà từ xưa tơ lụa đã là một trong các mặt hàng chủ yếu được khách hàng phương Tây, khách thương Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên và một số nước ở Nam Á tìm mua, thông qua việc buôn bán, trao đổi tại các cảng biển Vạn Ninh, Vân Đồn thuộc Quảng Ninh ngày nay. Sở dĩ có thị trường rộng lớn và được người tiêu dùng ưa chuộng như vậy là vì mặt hàng dệt tơ lụa của ta đa dạng, phong phú với nhiều chủng loại như; lụa, là, gấm, vóc, the, lĩnh, quế, đoạn, sa, đũi, kỳ cầu v.v…

Xem thêm:

Nhà văn Nam Cao với thanh lọc tâm hồn và hoàn thiện nhân cách

Điểm khác nhau giữa gấm và lụa là gì?

Nón lá – nét đẹp của văn hóa truyền thống người Việt

Trong những năm 40 của thế kỷ này, nghề dệt thủ công ở Việt Nam đã phát triển đến mức độ sâu rộng, trong đó có tơ lụa, gấm, vóc.
Hai làng dệt La Khê và Vạn Phúc vẫn giữ truyền thống làm hàng tơ lụa giỏi nhất Hà Đông. Vạn Phúc lúc đầu dệt chủ yếu là the, lụa, về sau dệt cả lụa vân, sa – tanh, gấm, các sản phẩm này đều dệt hoa, bán khắp cả nước và xuất khẩu sang Campuchia, Thái Lan, Pháp và một số nước khác.

* Làng nghề dệt gấm Vạn Phúc

Trải qua các thời Lý, Trần, Hồ (gần 4 thế kỷ), nghề dệt Gấm được duy trì để phục vụ cho việc may mặc của vua quan, dân chúng ở kinh đô. Tuy nhiên dưới thời Lê, chỉ có làng Vạn Phúc là nơi duy nhất biết dệt gấm và có nhiều khung dệt gấm nhất nước thời bấy giờ. Vì thế ban đầu lụa Vạn Phúc chỉ dành riêng cho giới quý tộc và giàu có. Đến cuối thế kỷ XIX, nhà Nguyễn chủ trương khuyến khích, ưu tiên hàng nội nên những người thợ Vạn Phúc đã tìm tòi cải tiến, tăng năng suất, hạ giá thành các loại vải quý như gấm, lụa. Không lâu sau, khi kỹ thuật dệt của Pháp và Trung Quốc ảnh hưởng mạnh mẽ đến nước ta, Vạn Phúc không chỉ cho ra đời những loại lụa mới như the, vân, xa, quế mà kỹ thuật dệt gấm cũng được hình thành trở lại.

Vài nét về nghề dệt gấm – lụa Việt Nam

Cổng làng Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội

Lúc phồn thịnh nhất, làng Vạn Phúc có tới 1500 khung dệt lụa. Trai gái trong làng từ 15-16 tuổi đã biết dệt gấm, lụa. Vào thời kỳ này, người Vạn Phúc đã thành công trong việc cải thiện khung cửi, chuyển từ khung đạp chân năng suất thấp, khổ vải hẹp, thành khung giật tay, với năng suất từ 3 thước khổ nhỡ lên 8 thước khổ rộng. Lúc bấy giờ, ở Hà Nội xuất hiện nhiều cửa hàng bán gấm, lụa lớn ở hàng Ngang, hàng Đào. Những người chủ cửa hàng đó thường mua gấm ở Bưởi và Cầu Giấy đưa vào Sài Gòn nhuộm rồi đem ra Hà Nội bán.
Gấm Vạn Phúc từng theo chân những nghệ nhân nước ta ra quốc tế tại các hội chợ Marseille (1931) và Paris (1938), người Pháp đánh giá là loại sản phẩm tinh xảo của Đông Dương, được ưa chuộng tại các nước Pháp, Thái Lan, Indonexia…
Từ đó gấm Vạn Phúc bắt đầu được biết đến trên toàn Thế giới, và xuất hầu hết sang các nước Đông Âu. Nghề dệt lụa với nguyên liệu chính là tơ tằm đã tạo ra sản phẩm lụa, đũi, gấm, the. Các sản phẩm của nghề đa dạng, phong phú, đã có mặt tại nhiều nước Đông Âu, Pháp, Italia, Nhật Bản. Chỉ riêng làng dệt Vạn Phúc đã làm ra tới 70 thứ hàng the, lụa, đũi, gấm, lĩnh, đoạn, sa v.v…
Sau chiến tranh Thế Giới lần thứ 2 (1935-1945) nổ ra, từ năm 1940 trở đi nghề dệt gấm giảm sút, không bán được hàng. Nhiều người thợ có tay nghề cao phải bỏ làng đi tìm nghề khác. Khi nạn đói năm 1945 xảy ra, nghề dệt hầu như không còn. Đến năm 1946, khi cuộc kháng chiến chống Pháp nổ ra ở thủ đô, dân các làng dệt đi làm ăn, hầu hết các khung cửi dệt bị tiêu hủy. Sau năm 1954, chỉ còn dệt vải thường và thành lập các hợp tác xã như Thành Công, Quyết Tiến, Tân Thành.
Tuy nhiên, từ năm 1990 đến nay, một vài gia đình thợ dệt lâu năm còn sót lại ở Cầu Giấy đã nghiên cứu cải tiến khung dệt cho khổ to hơn, dùng mô-tơ để thay thế việc kéo bằng tay. Đặc biệt họ đã làm được máy cài hoa khi dệt, với khung dệt cải tiến, họ không cần dùng hai tay lao thoi như trước mà chỉ dùng một tay giật dây cho thoi vào con chuột, còn tay kia dập khổ, nhịp độ vừa nhanh vừa đỡ tốn sức. Xưa nay, chúng ta quen gọi tất cả các mặt hàng tơ lụa (hàng dệt) của Vạn Phúc là tơ lụa Hà Đông. Làng nghề Vạn Phúc đến nay đã có gần 1.000 năm tuổi. Từ lâu, âm thanh của những khung cửi, cùng tiếng thoi đưa rộn ràng, khoan thai, dìu dặt đã trở thành nhịp điệu cuộc sống nơi đây. Cùng tiếng thoi đưa đó, người nghệ nhân đã tạo ra các sản phẩm nổi tiếng: Gấm hoa ngũ sắc: gấm hoa chanh, gấm lam, gấm đỏ…
Ngày nay phường Vạn Phúc (quận Hà Đông) nguyên là một xã nhất làng, nhất thôn nằm kề bên sông Nhuệ từ hàng ngàn năm trước đã nổi tiếng với nghề dệt lụa tơ tằm. Làng Vạn Phúc giờ khang trang, đẹp như thành phố. Những ngôi nhà cao tầng, với nhiều gian hàng trưng bày vải, vóc, gấm, lụa mọc lên san sát. Đến làng, không khí nhộn nhịp, tấp nập có thể cảm nhận ngay từ bước chân đầu tiên. Nói đến Vạn Phúc là nói đến nghề dệt lụa tơ tằm từ lâu đã đi vào câu ca dao trữ tình: “Hỡi cô thắt lưng bao xanh/ Có về Vạn Phúc với anh thì về/ Vạn Phúc có gốc cây đề/ Có ao tắm mát, có nghề cửi canh”.
Năm 2010, Vạn Phúc tăng cường trang bị thêm nhiều máy móc vào sản xuất. Người thợ không còn phải trực tiếp dùng tay dệt nữa, thay vào đó sẽ tập trung nghiên cứu sáng tạo mẫu mã và cách thể hiện mầu sắc, họa tiết trên gấm, lụa. Làng Vạn Phúc ngày càng nhiều mẫu gấm, lụa đẹp và tinh tế, đáp ứng nhu cầu khách hàng. Câu nói: “Gấm cụ Đa, Lụa hoa bà Tính”, coi như một tổng kết của người Vạn Phúc về những người thợ tài hoa bậc nhất quê hương.

Xem thêm:Hoàn Xuân Thang

* Làng nghề dệt gấm La Khê

Làng La Khê là một làng nghề cổ thuộc phường La Khê. Nổi tiếng với nghề dệt the lụa, có tên trong tập “Tứ quý danh hương” (Mỗ – La – Canh – Cót).

Vài nét về nghề dệt gấm - lụa Việt Nam

Ban đầu, làng có tên La Ninh (“La” là lụa, “Ninh” là sự thịnh vượng, lâu bền). Sang thế kỷ 15, làng La Ninh đổi tên thành La Khê (tức là làng dệt lụa bên dòng sông nhỏ). Sản phẩm của làng lúc đó vẫn còn thô sơ, chủ yếu là sồi, đũi. Ðến đầu thế kỷ 17, một nhóm người Hoa ở vùng Lưỡng Quảng (Trung Quốc) di cư sang Việt Nam, đến lập nghiệp ở đất La Khê và đem công nghệ dệt tiên tiến dạy lại cho dân làng. Nhờ đó, các sản phẩm dệt của La Khê với những họa tiết, hoa văn tinh xảo, bền – đẹp trở nên nổi tiếng khắp vùng, được các tầng lớp quý tộc ưa chuộng.
Đến đời vua Minh Mạng (1820-1841), có một người lính, đóng đến chức đội thì mãn hạn, tên là Trần Quý. Về làng, ông bắt tay vào nghề dệt như mọi người, rất chịu khó, miệt mài. Nhưng trong lòng ông luôn nung nấu một điều: làm sao cho gấm của La Khê cũng phải rực rỡ không kém gì gấm của các nước láng giềng. May sao, một hôm ông xin được một mảnh gấm nước ngoài và lấy làm thú vị lắm. Lật đi lật lại mảnh gấm và ngắm nghía kỹ lưỡng, rồi ông tháo từng sợi tơ ra xem xét. Ông cố phân tích phán đoán cách thức dệt. Cuối cùng, ông tìm ra được bí mật giấu trong những đường tơ lắt léo của mảnh gấm quý và biết được cách dệt gấm của nước ngoài. Ông cùng các bạn thợ tìm cách cải tiến việc dệt, sáng tạo một phương pháp dệt mới, tinh vi hơn nhiều. Kết quả là một nhóm thợ làng La Khê do Trần Quý đứng đầu đã dệt được một tấm gấm tinh xảo không kém tấm gấm mẫu. Chẳng bao lâu, cả làng La Khê đều dệt được loại gấm quý, và dệt thành thạo dần, đó là hai loại gấm: Gấm tam thể, và gấm thất thể. Từ đấy, dân làng quý trọng ông, tôn ông là ông Tổ nghề dệt gấm tại La Khê.
Năm 1886, tại làng dệt La Khê (Hà Đông): có khoảng 100 hộ dệt gấm, vân, the, xuyến, mỗi nhà sử dụng ít nhất 10 thợ.
Ngay cả trong hoàn cảnh chiến tranh thế giới 1914 – 1918, nghề dệt lao đao một thời, dần dần cũng được hồi phục. Năm 1886, làng dệt La Khê (Hà Đông) chỉ có 100 thợ dệt lụa. Tuy nhiên đến năm 1918 đã phát triển tới 600 khung dệt. Trong cuốn sách “Giai cấp tư sản Việt Nam” – tác giả Nguyễn Công Bình có đưa ra con số tính toán số thợ dệt La Khê: với số khung dệt đó thì phải có ít nhất 1500- 1800 thợ dệt chuyên nghiệp.
Ngày nay, làng La Khê nổi tiếng với các mặt hàng truyền thống như: the, sa, xuyến, gấm. Các mặt hàng này đều được dệt từ cùng một chất liệu nhưng cách gieo hoa và kiểu dệt thưa, mau, gân, đổ khác nhau, tạo ra những sản phẩm phong phú, đa dạng. Người thợ La Khê đã sáng tạo ra hơn 20 mẫu hoa văn, trong đó có những mẫu hoa văn cầu kỳ, với họa tiết cách điệu từ những hình tượng văn hóa dân gian như: “tứ linh” (long, ly, quy, phượng), “tứ quý” (tùng, cúc, trúc, mai) hay hình song hạc, mây, trời, hoa sen, chữ thọ …
Sau năm 1954, nghề dệt Gấm tạm lắng, cả làng La Khê quay sang dệt vải bông, khăn mặt, thảm đay theo kinh tế tập trung, phục vụ sinh hoạt trong chiến tranh Việt Nam. Đến năm 2002, nhờ có chính sách khuyến khích khôi phục làng nghề truyền thống của Nhà nước, cùng với quyết tâm phục hồi nghề Tổ, chính quyền địa phương và ban Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp La Khê và những nghệ nhân trong làng đã bỏ ra nhiều công sức tìm lại sức sống cho nghề dệt gấm lụa.
Tuy nhiên, việc khôi phục gặp muôn vàn khó khăn bởi không còn mấy người biết dệt gấm, khung dệt cũng không còn. Việc phục dựng nghề trông cậy phần lớn các nghệ nhân trong làng, lúc này tuổi đều đã cao, tâm huyết với nghề, quyết truyền nghề truyền thống cho lớp con cháu.
Hiện nay, một số mặt hàng tơ lụa bị mai một như sa, xuyến, kỳ cầu, băng, nái, sồi bởi đặc tính cũng như giá trị của nó kém hơn các mặt hàng khác. Chỉ có lụa và gấm là được ưa chuộng, không chỉ ở Việt Nam mà khách nước ngoài đến thăm cũng rất thích các sản phẩm này. Cho nên nghề dệt ở các làng nghề Hà Đông vẫn có cơ hội phát triển mạnh.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here