Quần áo làm từ nguyên liệu “xanh” – xu hướng phát triển mới của ngành dệt may

1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (No Ratings Yet)
Loading...
0
1248

Ngày nay, người tiêu dùng có xu hướng lựa chọn các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên vì tính an toàn, hợp với môi sinh, không gây ô nhiễm với môi trường. Việt Nam là nước có khí hậu nhiệt đới, mùa hè rất nóng và khắc nghiệt, không khí khô, nhiệt độ lên rất cao. Vì vậy, người tiêu dùng luôn có xu hướng lựa chọn các loại vải có khả năng thấm hút mồ hôi tốt, thông thoáng. Tuy nhiên, thời gian qua, người tiêu dùng Việt Nam chỉ biết đến loại sản phẩm vải lanh, là loại vải cao cấp phổ biến hiện nay. Rất ít người tiêu dùng biết đến hai mặt hàng cùng dòng xơ libe là gai và gai dầu.

Lanh (linen): cây lanh có nguồn gốc từ Địa Trung Hải. Pháp là nước sản xuất lanh chủ yếu của thế giới. Lanh có 70% là thành phần cellulose, không gây dị ứng, khả năng hút ẩm tốt làm cho người mặc có cảm giác thông thoáng. Vì vậy lanh rất thích hợp cho các sản phẩm dùng vào mùa hè. Vải lanh càng giặt nhiều càng trở nên mềm mại hơn mà không bị biến đổi. Đây là tính chất rất quan trọng cho các mặt hàng quần áo mặc hàng ngày, phải giặt giũ thường xuyên như áo sơ mi. Vải lanh thường được dùng để làm khăn trải bàn, vải trang trí, drap bọc giường, khăn làm bếp, khăn tay, vải may quần áo comple, áo sơ mi… Khách hàng trên khắp thế giới sử dụng vải lanh vì họ thích vẻ đẹp của nó, cảm giác khi mặc và tính năng sử dụng của lanh.

Quần áo làm từ nguyên liệu “xanh” - xu hướng phát triển mới của ngành dệt may

Xơ gai dầu (hemp): cây gai dầu được trồng nhiều ở châu Âu và một số nước khác như Algeri, Canada, Trung Quốc, Ấn Độ… Ở một số nơi thuộc vùng núi phía bắc Việt Nam như Hòa Bình, Tuyên Quang có nhiều cây gai dầu mọc hoang và người dân thường gọi là cây “đay dại”. Họ sử dụng sợi kéo thủ công từ xơ của chúng để dệt vải thổ cẩm, song số lượng không đáng kể. Vải gai dầu bền với ánh sáng, chống tia UV tốt, có khả năng chống nấm mốc, cảm giác sờ tay thô ráp nhưng sẽ mềm hơn sau khi giặt, khả năng hút ẩm tốt, tạo cảm giác thoải mái, dễ chịu khi sử dụng.

Xơ gai dầu được dùng để kéo sợi dệt vải làm khăn trải bàn, vải trang trí, khăn tay, và đặc biệt là vải may quần áo comple, áo sơ mi và các loại quần áo thời trang. Một vài nước sử dụng vải dệt từ sợi gai dầu 100% trang bị cho lực lượng vũ trang do tính chất đặc biệt dai bền, mát mẻ, thấm hút mồ hôi tốt của nó. Vải gai dầu rất được ưa chuộng ở các nước châu Âu. Tuy nhiên, thị trường vải gai dầu chưa phát triển ở Việt Nam, chỉ số khách hàng tiêu dùng sành điệu mới biết đến loại sản phẩm này. Đây là một loại nguyên liệu rất tiềm năng cho ngành dệt Việt Nam, nhằm phát triển các mặt hàng thời trang cao cấp.

Cây gai dầu

Gai (ramie): cây gai (ramie) là tên của một loài thuộc giống cây Boehmeria, có quan hệ gần với loài cây tầm ma (Urtica). Cây gai còn thường được gọi với cái tên China Grass, do loại cây này được người Trung Quốc trồng từ rất sớm và rất nhiều. Các nước và vùng lãnh thổ dẫn đầu trong sản xuất xơ gai là Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Philippines, Brasil. Hiện nay, thị trường may mặc của vải gai đang phát triển rất tốt, được nhiều người ưa chuộng.

Xem thêm:

Giặt áo dài gấm lụa như thế nào?

Cách phân biệt lụa tơ tằm Hà Đông thật và lụa giả.

Vải dệt từ xơ gai có khả năng kháng khuẩn, nấm mốc, chống thối rữa, mục nát, bền với ánh sáng, có khả năng chống bám bẩn tự nhiên, thấm hút nước tốt cho người sử dụng cảm giác thoải mái khi mặc. Loại vải này có đặc tính dễ nhuộm, có độ bền màu ướt tốt, tăng bền khi ướt, chịu được nhiệt độ cao của nước khi giặt, vải càng giặt càng bóng, độ co sau giặt thấp.

Vải gai thường được dùng để may hàng thời trang, làm vải trang trí nội thất, vải lều bạt, bao bì đóng gói hàng đi tàu biển. Ngoài ra, xơ gai thường được pha với xơ cotton để kéo sợi pha gai/cotton dùng trong vải dệt thoi và cả dệt kim. Trong số các loại nguyên liệu có nguồn gốc tự nhiên lanh, gai và gai dầu, xét về mặt điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu thì cây gai là loại cây có nhiều khả năng có thể được trồng, canh tác, thu hoạch và chế biến thành xơ dệt, tạo nguồn nguyên liệu phục vụ cho ngành dệt Việt Nam nhất, góp phần đa dạng hóa sản phẩm cho ngành dệt may, tạo thêm công việc và thu nhập cho người lao động.

Quần áo làm từ nguyên liệu “xanh” - xu hướng phát triển mới của ngành dệt may

Sợi chuối: xơ chuối là loại xơ có nguồn gốc tự nhiên và là xơ libe, được tách từ thân cây chuối. Loại cây này được trồng rất nhiều ở vùng khí hậu nhiệt đới. Do xu hướng của thế giới hiện nay là bảo vệ, thân thiện với môi trường nên trong những năm gần đây xơ chuối đã tạo được sự chú ý, quan tâm của các nhà sản xuất ở các nước trên thế giới. Cây chuối dùng để lấy xơ có tên tiếng Anh là Abaca, ngoài ra nó còn có cái tên là Manila hemp. Loại chuối này có vẻ ngoài giống cây chuối cho trái ăn được nhưng lá của nó khác biệt ở chỗ mọc theo hướng thẳng đứng, nhọn, hẹp và thon hơn lá chuối ăn được.

Sợi xơ chuối

Xơ chuối có rất nhiều công dụng, dùng để làm dây bện thừng, thảm, làm nguyên liệu cho một số loại giấy đặc biệt (túi lọc cà phê, túi gói thịt, cá, các loại giấy nghệ thuật đặc biệt, giấy cách điện bọc dây cáp, giấy nến, giấy than, giấy viết kinh thánh…). Sợi chuối 100% dùng để làm các mặt hàng vải dệt thoi, loại vải này có cảm giác sờ tay hơi cứng, có các đường gân đẹp mắt được tạo thành trên vải do sự không đều về độ nhỏ của sợi tự nhiên. Về mặt ngoại quan và cảm giác sờ tay, vải chuối 100% tương tự như vải gai (ramie). Sợi chuối pha cotton có thể dùng cho cả hai mặt hàng vải dệt thoi và dệt kim.

Có thể bạn quan tâm: Gối đinh lăng

Điều kiện đất đai, khí hậu ở Việt Nam rất phù hợp trồng loại chuối này. Do đó, chúng ta cần có nhiều nghiên cứu, đầu tư hơn nữa để tạo các loại xơ có nguồn gốc tự nhiên cho ngành dệt mà có thể trồng trọt, khai thác được ở trên đất nước Việt Nam.

Phạm Thị Mỹ Giang (Phân viện dệt may TP.HCM)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here